The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

TP Hồ Chí Minh: Hàng loạt giải pháp nâng cao hiệu quả nền hành chính công

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nền hành chính công, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ, từ các cấp và ở nhiều lĩnh vực.
Chú thích ảnh
Cụ thể, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 1856/QĐ-UBND kiểm tra, khảo sát công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm 2020. Theo đó, UBND thành phố sẽ kiểm tra, khảo sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị, phát hiện những tồn tại, hạn chế để kịp thời chấn chỉnh.
Thành phố tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp nhận và xử lý triệt để các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo minh bạch, khách quan, công bằng, liên thông, kịp thời, chính xác, không gây phiền hà. Đồng thời, Thành phố ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, kịp thời có giải pháp tháo gỡ, biểu dương, nhân rộng các cách làm hay, có hiệu quả.
Về nội dung cụ thể, UBND thành phố sẽ kiểm tra thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng, đất đai tại UBND Quận 5 và một phường thuộc quận; UBND quận Gò Vấp và một phường thuộc quận; UBND huyện Nhà Bè và một xã thuộc huyện, UBND huyện Hóc Môn và một xã thuộc huyện.
Tại Sở Xây dựng, UBND thành phố sẽ kiểm tra thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng, việc tổ chức thực hiện cơ chế một cửa liên thông, khảo sát việc tiếp nhận, trả kết quả dịch vụ bưu chính công ích. Tại Sở Công Thương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Bưu điện thành phố, UBND thành phố sẽ kiểm tra việc tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, khảo sát việc tiếp nhận, trả kết quả dịch vụ bưu chính công ích. Trong khi đó, tại Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Quận 3, UBND thành phố sẽ kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính qua hệ thống một cửa đất đai, việc khắc phục những tồn tại, hạn chế tại kỳ kiểm tra trước.
Để cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố trong năm 2020 (đang có xu hướng giảm), UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra và yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện khẩn trương thực hiện nhóm giải pháp duy trì các chỉ số đạt mức tốt theo hướng áp dụng tối đa công nghệ thông tin, tăng cường tiếp xúc, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, mặt bằng, đổi mới công nghệ, khuyến khích đầu tư và hợp tác với các trường đại học, dạy nghề có uy tín trong khu vực và thế giới.
Đối với các chỉ số cạnh tranh đạt mức bình quân so với cả nước (như Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Chi phí thời gian), UBND thành phố sẽ triển khai các nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính, thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, công khai công tác quy hoạch kế hoạch, tài liệu của thành phố và quận, huyện trên trang thông tin điện tử của thành phố, sở, ngành, quận, huyện. Ngành chức năng khảo sát, đánh giá sự hài lòng và khắc phục hồ sơ trễ hạn, thực hiện nghiêm quy định về cung cấp, đăng tải thông tin đấu thầu. Các thủ tục hành chính được hoàn chỉnh theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết.
Đối với các chỉ số đang ở mức kém (gồm: Tiếp cận đất đai, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự), thành phố sẽ thực hiện ngay các giải pháp công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của 24 quận huyện trên trang điện tử. Thành phố rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công khai trách nhiệm của hoạt động công vụ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chương trình, kế hoạch phòng chống tham nhũng. Thành phố đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa, sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, kêu gọi đầu tư đối với các công trình trọng điểm. Định kỳ hàng quý, thành phố đối thoại với doanh nghiệp và xây dựng quy trình giúp doanh nghiệp tố cáo các hành vi tham nhũng của cán bộ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trong khi đó, để giải quyết khối lượng công việc của thành phố ngày càng lớn, tính chất phức tạp của hồ sơ ngày càng tăng, tránh tình trạng hồ sơ tham mưu chậm, sai sót về hình thức và nội dung, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong vừa ký Công văn số 1855/UBND-HCTC. Công văn yêu cầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì giải quyết vụ việc phải đảm bảo hồ sơ trình UBND thành phố phải có chính kiến của cơ quan, đơn vị.
Đối với đơn vị, cơ quan phối hợp, UBND thành phố yêu cầu phải chấm dứt tình trạng chờ văn bản chỉ đạo của UBND thành phố, phiếu chuyển của Văn phòng UBND thành phố mới thực hiện. Nếu quá thời hạn lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị phối hợp không trả lời sẽ xem như đồng ý với ý kiến của cơ quan chủ trì nêu tại văn bản đề nghị và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan thuộc phạm vi, chức năng tham mưu.