TP. Hồ Chí Minh: Lo “mất điểm” với nhà đầu tư vì “cò phí” lộng hành
Nhà đầu tư ngán "cò phí", "cò đất"
Ông Nguyễn Mạnh Tuệ, Phó Trưởng phòng Kinh tế thuộc Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM chia sẻ như vậy trong cuộc trao đổi với chúng tôi về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 (viết tắt là NQ-19) của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn thành phố.
Theo ông Tuệ, chỉ số PCI là một trong những ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực không ngừng của thành phố thực nhiện NQ-19 của Chính phủ. Theo đó, lần đầu tiên sau 10 năm công bố chỉ số PCI, TPHCM đã lọt vào nhóm 5 tỉnh/thành có chỉ số cao nhất cả nước. Nếu chỉ so với năm 2013 thì thành phố tăng thêm 6 bậc, với nhiều tiến bộ. Đáng chú ý nhất là những cải thiện về hiệu quả hoạt động bộ máy hành chính; xây dựng được quy trình thông thoáng trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến doanh nghiệp (DN).
Việc "nhảy điểm" PCI của TPHCM được nhận định, cũng tác động giúp tăng nhẹ năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam lên 2 bậc, xếp hạng 68/148 nền kinh tế, theo bình chọn của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Đồng thời, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế cũng đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (Moddy's từ B2 lên B1 và Fitch từ B+ lên BB-).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Tuệ cho rằng, việc tăng chỉ số PCI chưa nói lên nhiều điều khi mà 7/10 chỉ số thành phần của TPHCM còn ở dưới mức trung bình. Cụ thể, những vấn đề khiến DN đánh giá chưa tốt về môi trường kinh doanh của thành phố chính là do chỉ số "chi phí không chính thức" của thành phố tiếp tục giảm, từ 6,83 xuống 4,67.
Một loại chi phí không chính thức, còn gọi là "cò phí" gây nhiều bức xúc đối với các DN, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là những khoản chi phí dù luật không quy định, nhưng hầu hết nhà đầu tư phải bỏ ra trong quá trình thực hiện TTHC về đầu tư, kinh doanh. Thậm chí, ông Nguyễn Mạnh Tuệ cho rằng, tình trạng "cò phí" xuất hiện nhan nhản tại nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên chế tài thì chưa đủ răn đe để có thể xử lý dứt điểm tệ nạn này.
Ngoài "cò phí", việc tiếp cận đất đai khó khăn cũng là một trong những bất cập khiến TPHCM "giảm điểm" đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân chủ yếu của bất cập này là do tỷ lệ DN có mặt bằng kinh doanh còn thấp; tỷ lệ diện tích đất chưa có "sổ đỏ" còn cao so với các tỉnh/thành khác; tỷ lệ thỏa mãn mức bồi thường khi bị thu hồi đất còn thấp (25%);...
"Vừa qua, khi tham mưu cho UBND TP để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thì chúng tôi cũng đã đưa ra những yếu kém trong chỉ số "tiếp cận đất đai", cũng như các chi phí không chính thức, vấn đề thiết chế pháp lý,... Chúng tôi cho rằng, cần thiết phải xử lý dứt điểm các bất cập này mới thực sự tạo được môi trường kêu gọi đầu tư tốt hơn trong thời gian tới đây", ông Tuệ nói.
Việc hồ sơ cho thuê, đăng ký quyền sử dụng đất,... gặp khó khăn, khiến DN chậm triển khai hoạt động, một số ngưng hoạt động do không thể kiên nhẫn chờ đợi. Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM, tính đến ngày 31/7/2015, toàn thành phố có đến 21 dự án chuyển trụ sở đi tỉnh/thành phố khác hoặc đề nghị chấm dứt hoạt động, với tổng mức đầu tư lên đến 70,9 triệu USD.
Ngoài "cò phí", "cò đất", một trong những bất cập được TPHCM kiến nghị trung ương bãi bỏ từ nhiều năm qua - Đó là quy định về "mã hóa các ngành nghề đăng ký kinh doanh". Theo ông Nguyễn Mạnh Tuệ, quy định này rất vô lý mà gần như là một khâu thừa gây phiền hà cho DN. Bởi vì, nhiều ngành nghề hiện nay nếu xét theo quy định này thì có thể đăng ký theo nhiều mã ngành nghề khác nhau, do đó gây ra rắm rối và chồng chéo lên nhau.
"Nếu mà bỏ được quy định này thì tôi nghĩ tiết kiệm đến 1/3 nhân lực cán bộ, công chức được tuyển dụng chỉ để phục vụ cho một khâu thừa này", ông Tuệ thẳng thắn cho biết.
Cải thiện thiết chế pháp lý
Để cải thiện có hiệu quả những tồn tại, vướng mắc, kể cả hạn chế trong cải thiện năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Tuệ cho rằng việc xây dựng thiết chế pháp lý mạnh là một giải pháp sẽ mang lại hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Tuệ, việc cấp thiết phải cải thiện thiết chế pháp lý không chỉ nhằm vào cải thiện chỉ số PCI mà còn giải quyết vấn đề "chữ tín" của cơ quan hành chính đối với DN. Nguyên do là thời gian qua tỷ lệ DN tin tưởng vào khả năng bảo vệ pháp luật về vấn đề bản quyền hoặc thực thi hợp đồng và khả năng giải quyết các tranh chấp hợp đồng kinh tế của tòa án còn thấp. Trong khi đó, có tỷ lệ rất thấp các DN cho rằng tòa án các cấp xử lý các vụ kiện về kinh tế nhanh và phán quyết của tòa án được thi hành nhanh chóng. Bằng chứng là thời gian qua tỷ lệ các vụ án đã giải quyết so với chỉ tiêu còn ở mức thấp.
Trong khi đó, theo báo cáo của UBND TPHCM về triển khai NQ-19 của Chính phủ cũng đã thừa nhận, nhiều DN khu vực kinh tế tư nhân cho rằng DN nhà nước và các tổng công ty lớn đều được ưu đãi hơn trong hầu hết các lĩnh vực chủ chốt, như: tiếp cận đất đai, các khoản tín dụng, các hợp đồng nhà nước, cấp phép khai thác khoáng sản và được các cơ quan hành chính ưu tiên giải quyết thủ tục.
Liên quan đến bất cập trên, tại buổi họp lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý góp ý vào chiến lược phát triển chung của thành phố đến năm 2025 và tầm nhìn 2045 vào ngày 23/8 của Thành ủy TPHCM, TS Huỳnh Thế Du, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) cũng đồng quan điểm: Mô hình ưu tiên của nền kinh tế thành phố hiện nay vẫn phụ thuộc vào thứ bậc ưu tiên: DN nhà nước – DN có vốn đầu tư nước ngoài – DN tư nhân. Tuy nhiên, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy kinh tế tư nhân cần được thúc đẩy ưu tiên đầu tiên và chính khu vực tư nhân mới là nền tảng của nền kinh tế. Do đó, đây là cách làm "ngược" mà lâu nay TPHCM vẫn chưa tìm được lối thoát thể bứt phá.
Để cải thiện tình trạng trên, đặc biệt là đối với khu vực kinh tế tư nhân, trong 2 năm thực hiện NQ-19 (2015 – 2016), TPHCM phấn đấu rút ngắn thời gian nộp thuế còn không quá 121,5 giờ/năm; thời gian nộp BHXH không quá 49,5 giờ/năm; tỷ lệ DN kê khai thuế điện tử đạt trên 95%. Cơ quan thuế thành phố cũng sẽ xây dựng và công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, đảm bảo ít nhất 90% hoàn thuế theo đúng thời gian quy định.
Về phía ngành hải quan, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, năm nay, cộng đồng ASEAN chính thức có hiệu lực, hải quan thành phố sẽ tiếp tục giảm mạnh thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu về ngang bằng với các nước ASEAN-6, bảo đảm đáp ứng thời gian hàng hóa xuất nhập khẩu lưu qua biên giới đạt mức tối đa 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu và 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu.
TPHCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2016, đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian xin cấp phép xây dựng theo phương pháp xác định của Ngân hàng Thế giới, tối đa không quá 77 ngày, bao gồm: Thời gian lấy ý kiến các cơ quan liên quan như chấp thuận đấu nối điện nước, môi trường, phòng cháy chửa cháy,... Bên cạnh đó, các cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan, giải quyết tranh chấp thương mại sẽ tiếp tục được cải tổ theo hướng hội nhập với luật pháp khu vực và quốc tế.
Phương Dy
Theo Báo xây dựng ngày 25/08/2015