TP Hồ Chí Minh: Mô hình tăng trưởng cần dựa vào năng lực cạnh tranh
Phát biểu tại Hội thảo khoa học "TPHCM – 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập" do Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức sáng nay, ông Vương Đình Huệ cho rằng trong giai đoạn tới có hai vấn đề lớn đặt ra cho TPHCM là lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực quản lý đô thị.
Theo ông Huệ, các doanh nghiệp vốn được xem như nền tảng của kinh tế vẫn còn thiếu sức cạnh tranh và đang đối diện với nhiều thách thức trong quá trình hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.
Để phát triển kinh tế xã hội thời gian tới, ông Huệ đề nghị TPHCM cần hướng tới mô hình tăng trưởng dựa trên nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh, đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai (R&D), tái cơ cấu sản xuất công nghiệp theo hướng tăng hàm lượng khoa học – công nghệ và tỉ trọng giá trị nội địa, xây dựng các cụm liên kết sản xuất, tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh TPHCM cần chủ động nghiện cứu, đề xuất trung ương các cơ chế, chính sách thích hợp theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ cho TPHCM, nhất là về ngân sách để thành phố thực sự trở thành đầu tàu, động lực kinh tế của khu vực và cả nước.
Ông Huệ cũng đề xuất TPHCM cần chủ động phối hợp với các địa phương nghiên cứu, đề xuất các thể chế tăng cương phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, chú trọng phát triển giao thông thành phố theo quan điểm "thành phố mở", gắn kết với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xây dựng vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông sản sạch, an toàn.
Phát biểu tại hội thảo, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải cho rằng nhìn lại 40 năm qua, TPHCM đã phát huy được vai trò là một thành phố lớn, lực lượng sản xuất phát triển tốc độ cao. TPHCM đi đầu trong xóa đói giảm nghèo, đời sống người dân ngoại thành ngày càng cải thiện ...
Để TPHCM vượt qua khó khăn trên con đường phát triển sắp tới, ông Phan Văn Khải đề nghị chính quyền TPHCM cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị vốn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh trong đó, khâu quan trọng nhất là quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị bởi cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội là cực kỳ quan trọng.
Tại nội dung tham luận phát hành tại hội thảo sáng nay, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, đặt ra ba vấn đề lớn cho bài toán phát triển của TPHCM gồm cơ cấu kinh tế; hạ tầng đô thị; hành chính công. Trong đó, theo ông Lịch, nền hành chính công còn chồng chéo chức năng, hiệu quả thấp, trách nhiệm giải trình không rõ ràng giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương đang làm hạn chế tác dụng của những cải cách kinh tế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, tiềm lực kinh tế thành phố trong 40 năm qua không ngừng lớn mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao được duy trì một thời gian dài cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Nếu như năm 2000 tổng sản phẩm nội địa (GDP) thành phố đạt 5,3 tỉ đô la Mỹ thì đến năm 2014 đã đạt trên 40 tỉ đô la Mỹ (tăng 7,5 lần).
Tính đến năm 2014, thành phố có 3 khu chế xuất, 13 khu công nghiệp, hạ tầng thương mại dịch vụ không ngừng được đầu tư theo hướng hiện đại với 37 trung tâm thương mại, 175 siêu thị, 240 chợ truyền thống, 723 cửa hàng tiện lợi ...
TPHCM phấn đấu đến cuối năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt 5.538 đô la Mỹ/năm, gấp 5 lần so với năm 2000 (năm 2014 đạt 5.131 đô la Mỹ/người/năm), nâng chuẩn hộ nghèo và cận nghèo. Theo đó, hộ nghèo có mức thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/năm trở xuống, bằng với chuẩn nghèo của thế giới và hộ cận nghèo có mức thu nhập bình quân từ 16 triệu đồng/người/năm đến 21 triệu đồng/người/năm.
Theo http://www.thesaigontimes.vn ngày 17/03/2015