The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

TP Hồ Chí Minh với nỗ lực nâng sức cạnh tranh nền hành chính công: Bài 1- Nhiều chỉ số cải cách tăng cao

Cải cách hành chính là một trong bảy Chương trình đột phá của Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X nhiệm kỳ 2016 - 2020.
Chú thích ảnh
Cán bộ phường, xã tại TP Hồ Chí Minh tăng cường làm thêm giờ để giải quyết hết việc cho người dân trong ngày. Ảnh minh họa: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Với phương châm lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc, giai đoạn 2016 - 2020, các cấp chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả nền hành chính công, góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Lãnh đạo Thành phố xác định, cải cách hành chính là công việc thường xuyên và sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 với nhiều nội dung và quyết tâm lớn.

Hướng đến Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), TTXVN thực hiện hai bài viết nhìn lại những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính cũng như những định hướng nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh, phát ngày 9/10.

Bài 1: Nhiều chỉ số cải cách tăng cao

Cải cách hành chính luôn là mục tiêu và là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cơ quan nhà nước, người đứng đầu đơn vị. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương đi đầu trong các phong trào đổi mới, với bản chất sáng tạo, năng động, cải cách hành chính luôn được lãnh đạo Thành phố đặc biệt quan tâm, thực hiện quyết liệt và đạt được nhiều kết quả quan trọng, được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.

Tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn

Để thực hiện cải cách hành chính thiết thực, có trọng tâm, hiệu quả, Thành phố Hồ Chí Minh đều chọn chủ đề cho mỗi năm. Đơn cử, năm 2018 được xác định là năm “Thực hiện cải cách hành chính gắn với nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”. Năm 2019 là năm “Đột phá cải cách hành chính và thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội”. Riêng năm 2020, Thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm là “Nâng cao văn hoá công sở, văn hóa công vụ, nâng cao ý thức thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp”, đồng thời phát động phong trào thi đua cao điểm.

Việc xác định chủ đề từng năm sẽ giúp Thành phố triển khai các giải pháp có trọng tâm, đi vào chiều sâu, có mục tiêu cụ thể. Riêng trong quý II/2020, để kịp thời ứng phó với dịch COVID-19, Thành phố đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị thay đổi phương thức làm việc cho phù hợp, đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin để giải quyết công việc nên không xảy ra hồ sơ trễ hẹn.

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2015 - 2019, các sở, ngành thành phố, UBND quận huyện, phường xã, thị trấn đã tiếp nhận hơn 84 triệu hồ sơ (trung bình 16 triệu hồ sơ/năm), tỷ lệ giải quyết đúng hạn mỗi năm tại sở ban ngành thành phố đạt 99,93%, tại UBND quận huyện đạt 99,2% và tại UBND phường – xã - thị trấn đạt 99,99%. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, hầu hết các lĩnh vực đều có tỷ lệ giải quyết đúng hạn trên 90%. Với kết quả giải quyết hồ sơ nói trên, theo khảo sát của các cơ quan chuyên môn, tỷ lệ hài lòng của người dân Thành phố và doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đạt trên 80%.

Một trong những nguyên nhân tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt cao là việc thành phố đã nỗ lực đơn giản thủ tục hành chính. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố đã rà soát, đơn giản hóa đối với 44 thủ tục hành chính, rà soát 54 chuyên đề trên nhiều lĩnh vực với 8.112 lượt văn bản, qua đó kiến nghị và được chấp thuận chủ trương xử lý 242 văn bản không còn phù hợp; đồng thời, thực hiện thư xin lỗi trong trường hợp giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn, tạo chuyển biến trong nhận thức và trách nhiệm thực thi công vụ.

Thành phố đã công khai 1.776 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng thông tin điện tử của Thành phố. Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành 38 quyết định phê duyệt 702 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của 3 cấp (cấp Thành phố, quận huyện, phường – xã - thị trấn). Thành phố đã vận hành phần mềm giữa sở ngành liên quan với Văn phòng UBND Thành phố trong việc giải quyết 21 quy trình nội bộ đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, Thành phố triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 về lĩnh vực đăng ký cư trú, hộ tịch, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, cấp giấy phép xây dựng.

Mặt khác, từ năm 2015, Thành phố đã xây dựng Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử, góp phần cải cách hành chính với 47 dịch vụ công trực tuyến. Nổi bật là việc Công an Thành phố thực hiện thủ tục về quản lý xuất nhập cảnh, đăng ký quản lý cư trú, đăng ký phương tiện giao thông, cấp giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân, Hải quan Thành phố thực hiện hệ thống thông quan điện tử, Bảo hiểm xã hội Thành phố thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông… Tính đến tháng 7/2020, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 668/1.776 thủ tục hành chính (đạt 37,61%).

Tuy đạt được những kết quả quan trọng nhưng Thành phố chưa bằng lòng mà tiếp tục đặt ra nhiệm vụ tăng số lượng và chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu cho hay, Thành phố sẽ quyết tâm thực hiện Chính phủ điện tử, đồng bộ hệ thống dữ liệu, tạo sự thống nhất từ trên xuống dưới; đồng thời không ngừng nâng cấp hệ thống hạ tầng mạng thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Cải thiện các chỉ số cạnh tranh

Sức cạnh tranh nền hành chính công của mỗi địa phương được thể hiện qua các chỉ số về cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Giai đoạn 2016 - 2020, các chỉ số này của Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó nổi bật là giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, Thành phố đã cải thiện chỉ số PAR INDEX từ vị trí thứ 10/63 tỉnh thành trong năm 2018 xuống còn vị trí 7/63 tỉnh thành trong năm 2019. Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ số PAR INDEX của Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 3, trước Cần Thơ, sau Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội.

Về chỉ số PAPI, năm 2019, Thành phố nằm trong nhóm 16 tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao; trong đó có 6 chỉ số tăng điểm gồm chỉ số tham gia của người dân cấp cơ sở, chỉ số công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng, thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công - quản trị điện tử. Trong khi đó, về chỉ số PCI, giai đoạn 2016 - 2019, Thành phố từ thứ 8 tụt hạng xuống vị trí 14 khi các chỉ số về gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động có xu hướng giảm điểm.

Để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh nền hành chính công, vừa qua Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã ký ban hành Quyết định số 25/2020/QĐ-UBND về tổ chức đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Theo đó, UBND Thành phố sẽ cụ thể hóa đối tượng, phương thức, chỉ số, nội dung đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính và việc tổ chức đánh giá, chấm điểm, công khai và xử lý kết quả đánh giá giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, Thành phố xác định sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan, đơn vị. Thành phố sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức khảo sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủ công mỹ nghệ Kim Bôi cho rằng, cải cách hành chính của Thành phố còn chưa bằng nhiều đơn vị nên cần nâng cao chỉ số hành chính, chỉ số môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng quản lý, phục vụ để giữ chân doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý khi nhận hồ sơ phải giải thích cho doanh nghiệp để không mất thời gian đi lại nhiều lần.

Theo ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Quận 9, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean, Thành phố cần đổi mới tư duy cho cán bộ công chức, phát triển hạ tầng trên nền tảng số, số hóa dữ liệu, đồng thời cải thiện ngay các chỉ số cải cách liên quan đến đất đai, pháp lý.

Thực tế cho thấy, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần thẳng thắn nhìn nhận năng lực cạnh tranh của Thành phố có chiều hướng suy giảm so với một số tỉnh thành khác; đồng thời, quyết liệt chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiều giải pháp nhằm lấy lại sức cạnh tranh của vị thế là trung tâm tài chính, kinh tế của cả nước. Lần đầu tiên vào năm 2018, Thành phố tổ chức “Giải thưởng Sáng tạo” nhằm cổ vũ và tìm kiếm các giải pháp, sáng kiến, cách làm hay từ người dân, doanh nghiệp đặc biệt là khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức đổi mới, cải tiến, sáng tạo thực hiện cải cách hành chính.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Minh Châu cho biết: Năm 2020, Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu cải thiện chỉ số PAPI, phục vụ người dân tốt hơn và nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành đạt điểm cao nhất. UBND thành phố xác định, công tác chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với nhiệm vụ, lấy đó làm thước đo hiệu quả công việc, đánh giá mức độ hoàn thành công việc cuối năm.

Để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, nâng cao chỉ số PCI, Thành phố sẽ áp dụng tối đa việc ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng các lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp, rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, mặt bằng, đổi mới công nghệ. Về lâu dài, Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử đối với lĩnh vực xây dựng, đất đai, giáo dục, y tế, công khai công tác quy hoạch, đăng tải thông tin đấu thầu nhằm tăng chỉ số minh bạch…

Thành phố đang sửa đổi, điều chỉnh đề án đánh giá chỉ số cải cách hành chính nhằm hoàn thiện phương pháp, tiêu chí đánh giá chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tình hình mới, đảm bảo đặc thù công việc của các đơn vị, tính khách quan và thực chất trong cải cách hành chính. Bên cạnh đó, Thành phố công bố kết quả đánh giá chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các cơ quan, đơn vị, thường xuyên khảo sát, nhân rộng mô hình, cách làm hay, hiệu quả và gương điển hình trong cải cách hành chính. Đây là công cụ hiệu quả giúp lãnh đạo Thành phố đánh giá nỗ lực thực hiện cải cách hành chính của các sở ngành, quận huyện qua các năm.

Theo Báo Tin tức