TP.HCM triển khai Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ngành và quận huyện (DDCI) thông qua việc lấy ý kiến 15.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về năng lực phục vụ của sở ngành, quận huyện nhằm cải thiện môi trường đầu tư.
Sáng 16-12, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị công bố triển khai Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương (DDIC) TP.HCM năm 2022.
Tại hội nghị, UBND TP phát động chương trình Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương (DDCI năm 2022) từ nay đến hết tháng 1-2023. Việc khảo sát sẽ do các đơn vị độc lập thực hiện để đảm bảo tính công minh, khách quan nhất.
Lấy 29.000 phiếu ý kiến của doanh nghiệp
Thông tin về đề án, ông Đào Minh Chánh - phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM - cho biết dự kiến khoảng 15.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể sẽ thực hiện các khảo sát đánh giá năng lực điều hành kinh tế của sở ban ngành và các địa phương.
Trong đó, 8.000 doanh nghiệp đánh giá khối địa phương và 7.000 doanh nghiệp đánh giá khối sở ban ngành. Số phiếu khảo sát dự kiến khoảng 29.000 phiếu.
Theo đó, TP sẽ khảo sát các chỉ số về tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động và hiệu lực của hệ thống sở ban ngành và chính quyền địa phương, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (với khối địa phương) và vai trò của người đứng đầu sở ban ngành, chính quyền địa phương. Riêng khối địa phương sẽ đánh giá thêm chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.
Việc đánh giá DDCI nhằm giúp các đơn vị và địa phương thấy được những điểm mạnh điểm yếu, từ đó có các biện pháp nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho việc đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.
DDCI cũng giúp TP có chiến lược tốt hơn để cải cách, nâng cao chất lượng quản trị và điều hành kinh tế, cải thiện chất lượng quản trị công, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Dự kiến, trước ngày 15-3-2023, TP sẽ báo cáo kết quả DDCI năm 2022 và triển khai kế hoạch DDCI năm 2023. Việc đánh giá này sẽ trở thành hoạt động thường niên để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.
Ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - Ảnh: THẢO LÊ
Muốn kiến tạo phải lắng nghe và thấu hiểu
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - nhìn nhận năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP chính là sức mạnh tổng hợp từ các sở ngành đến địa phương. Nếu các sở ngành làm tốt nhưng xuống địa phương làm không tốt cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Việc đánh giá DDCI cũng sẽ giúp cho việc đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thực tiễn, chính xác hơn.
Theo ông Hoan, muốn cải thiện môi trường đầu tư thì phải nghe và thấu hiểu doanh nghiệp. Và ngược lại, phải làm thế nào để doanh nghiệp hiểu và đồng hành cùng TP.
Ông Hoan cho rằng cần có đội ngũ chuyên gia để đánh giá các chỉ số khách quan nhất. Ông đề nghị các sở ngành, quận huyện khẩn trương triển khai đề án này cho đội ngũ cán bộ công chức. Sau đó, khi có kết quả đánh giá, phải tiến hành phân tích nội bộ để phát huy ưu điểm và khắc phục những hạn chế.
Nâng cao trách nhiệm của cán bộ
Bà Mary Tarnowka - giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) - đưa ý kiến tại hội nghị - Ảnh: THẢO LÊ
Tại hội nghị, bà Mary Tarnowka - giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) - cho biết hiện nay dòng chảy đầu tư đang có sự dịch chuyển, Việt Nam đang có thuận lợi rất lớn để đón đầu dòng chảy này. Theo bà, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hàng đầu của các công ty đa quốc gia.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp thách thức lớn trong quy trình thủ tục. Hiện nay nhiều đơn vị có tâm lý thận trọng trong việc phê duyệt các dự án, làm chậm trễ các thủ tục đầu tư của các doanh nghiệp.
Bà hy vọng chỉ số DDCI sẽ là công cụ quan trọng để tiếp nhận những phản hồi của doanh nghiệp, để các đơn vị nâng cao trách nhiệm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo Báo Tuổi trẻ