TPHCM lắng nghe ý kiến đóng góp của hơn 400 doanh nghiệp
Sáng 7-3, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp do Thành ủy, UBND TPHCM tổ chức với sự tham dự của hơn 400 doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp tham dự đều mong muốn gửi đến những ý kiến, gút mắc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Phát biểu khai mạc hội nghị "Đồng hành và phát triển của doanh nghiệp", Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, kinh tế thành phố đang tiếp tục tăng trưởng và phát triển, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh được nâng cao, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần cùng cả nước phục hồi tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Cụ thể, tổng sản phẩm nội địa của thành phố (GRDP) đã đạt 1.023 triệu tỷ đồng, tăng 8,05% so với cùng kỳ. Cơ cấu chuyển dịch đúng hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 54,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 28,8%, khu vực nông nghiệp chiếm 0,8%.
Nhận định về những diễn biến kinh tế năm 2017, đồng chí Lê Thanh Liêm cho rằng, kinh tế trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn do chịu tác động từ nhiều hiệp định thương mại tự do. Do vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới, thành phố đã chỉ đạo Sở Công thương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, hỗ trợ khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghiệp, tập trung sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao; nâng cao hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng trong ngành dịch vụ, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng tích cực; đa dạng các loại hình bán lẻ hiện tại…
Tại hội nghị, 19 chỉ tiêu và 10 giải pháp đã được lãnh đạo TPHCM đặt ra và quyết tâm thực hiện nhằm đạt mục tiêu tổng sản phẩm nội địa (GRDP) hơn 1,030 triệu tỷ đồng, tăng 8,4% trong năm 2017.
Theo đó, trong 19 chỉ tiêu đề ra, có 5 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội, 4 chỉ tiêu về môi trường và 1 chỉ tiêu về cải cách hành chính. Cụ thể, 5 chỉ tiêu kinh tế phải tập trung đạt GRDP 8,4-8,7%; tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP tử 36% trở lên; tổng vốn đầu tư xã hội đạt 35% GRDP; thành lập 50.000 doanh nghiệp; thu ngân sách đạt 100% dự toán. Riêng với những chỉ tiêu về xã hội phải giảm tỷ lệ hộ nghèo được 1,2%; tạo việc làm cho 120.000 lao động; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề đạt 77,5%; tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%; diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 8 triệu m2; diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 18,37m2/người; tỷ lệ phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học là 264 phòng; số bác sĩ phải đạt 17 bác sĩ/10.000 dân và số giường bệnh là 42 giường/10.000 dân.
Riêng với mục tiêu môi trường, phải đảm bảo 100% tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch; 100% chất thải rắn sinh hoạt, nước thải y tế và 90% nước thải công nghiệp xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Đặc biệt, với chỉ tiêu cải cách hành chính thì phấn đấu thành phố phải đạt tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Để thực hiện được mục tiêu này, ông Phạm Thành Kiên, giám đốc Sở Công thương cho biết, thành phố đã phê duyệt 10 giải pháp cần triển khai. Theo đó, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế thành phố. Song song đó, tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; thực hiện huy động nguồn thu ngân sách đảm bảo chi cho nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội, đầu tư công hiệu quả, huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị bền vững; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ ; phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, tăng cường chăm lo đời sống nhân dân; xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo kỹ luật, kỹ cương; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế và cuối cùng là thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận trong xã hội.
Liên quan đến những vấn đề trên, đại diện các doanh nghiệp cho biết, việc cải cách thủ tục hành chính của thành phố tại các sở ngành liên quan còn rất chậm. Tuy đã áp dụng chính sách một cửa nhưng nhiều nơi chỉ thực hiện hình thức. Thậm chí, tại các sở ngành, chủ trương Ban giám đốc đã thông nhưng cấp thực hiện là chuyên viên còn làm khó doanh nghiệp. Điều này làm môi trường đầu tư của thành phố kém hấp dẫn hơn tỉnh thành khác. Đơn cử thời gian giải quyết thủ tục, trung bình cấp phép đầu tư dự án chỉ kéo dài khoảng 2 tháng nhưng tại thành phó có những dự án thời gian cấp phép kéo dài từ 5-7 năm, thậm chí là 20 năm. Không chỉ vậy, những chính sách hỗ trợ đầu tư khác như vốn, thuế, đổi mới công nghệ… chưa xác thực tế yêu cầu của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được vốn hỗ trợ kích cầu hoặc vốn vay có ưu đãi lãi suất hay chi phi cho thuê đất…
Ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, thành phố sẽ tiếp nhận những ý kiến đóng góp cũng như gút mắc của doanh nghiệp. Lãnh đạo cam kết sẽ cải cách để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Riêng với những ý kiến đóng góp trong hội nghị hôm nay, các cơ quan chức năng phải nắm bắt và giải quyết ngay. Hiệu quả của việc giải quyết cũng sẽ được giám sát và minh bạch. Bí thư Đinh La Thăng khẳng định, sự phát triển của doanh nghiệp là đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng và phát triển bền vững của thành phố. Do đó, lãnh đạo thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển.
ÁI VÂN