TP.HCM: MỤC TIÊU ĐẠT 500.000 DN VÀO NĂM 2020 CÓ KHẢ THI?
Tại hội nghị “Gặp gỡ lãnh đạo Thành phố và DN về kế hoạch thực hiện Nghị Quyết 35/NQ-CP của Chính phủ” tổ chức ngày 3/7, lãnh đạo TP.HCM cho biết TP phấn đấu sẽ có 500.000 DN vào năm 2020, đạt ½ số lượng DN trên cả nước. Vậy mục tiêu này có khả thi?
Cải cách thủ tục hành chính – Còn quá nhiều việc để làm
Cơ sở đầu tiên được cho sẽ giúp TP.HCM tăng tốc, đột phá tăng trưởng lẫn phát triển DN là nỗ lực cải cách thủ tục hành chính. Sau nhiều năm trì trệ ở vị thứ thấp, năm 2015, TP. HCM đã lọt vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất theo công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Đây là tiền đề để bước sang năm 2016, TP tiếp tục quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính trên mọi lĩnh vực để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh, qua đó tiếp tục thu hút hiệu quả các nguồn lực đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu về cải cách thủ hành chính như: hướng tới cơ chế “một cửa”, đăng ký kinh doanh điện tử, cung cấp các đường dây nóng, trong đó có cả số “nóng” của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, thì vẫn còn nhiều DN bức xúc,thậm chí phàn nàn về việc họ bị hạn chế nguồn lực trong điều kiện kinh doanh ở TP. Chẳng hạn, nhiều DN đã bị Cục thuế hoàn thuế chậm kéo dài lên tới hàng năm. Nguyên do được cho là quỹ hoàn thuế của TP luôn thiếu tiền, không đủ lực hoàn thuế so với số tiền mà các DN trên địa bàn đã nộp trước đó. Ở thời điểm tháng 3/2016, quỹ hoàn thuế của TP.HCM chỉ còn 92 tỷ đồng trong khi chỉ 1 DN trên địa bàn TP đầu 2016 đã đòi mức thuế được hoàn đúng sổ sách nộp trong kỳ lên tới trên 40 tỷ đồng.
Nhìn sâu hơn chất lượng dịch vụ công, những tháng qua, TP.HCM cũng là nơi liên tiếp diễn ra hai vụ kiện mà kết quả đều là đại diện cơ quan công quyền bị xử thua: Một liên quan đến quyết định đánh thuế DN chưa hợp lý của Cục thuế TP. HCM và Chi cục Thuế quận Phú Nhuận, một liên quan đến quyết định giá tiền bồi thường giải phóng mặt bằng của hộ dân từ UBND quận 2 để lấy đất cho một dự án bất động sản tư nhân ở cửa ngõ quận 2…
Với hiện trạng như vậy, rõ ràng dù ở top 5 nhóm tỉnh, thành điều hành tốt, TP. HCM vẫn cần thêm thời gian và nguồn lực để “vá” mọi lỗ hổng trong hệ thống nhằm có một chỉ số cạnh tranh chất lượng hơn, có giá trị lớn đối với môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN. Hay nói cách khác, vừa “vá” vừa đột phá xem ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả cải cách thủ tục hành chính và mục tiêu tăng thêm số lượng DN tới 2020 của TP đầu tàu kinh tế.
Trong Dự thảo kế hoạch triển khai Nghị quyết 35 TP.HCM giới thiệu đến cộng đồng DN, TP đặt mục tiêu đến năm 2020, xây dựng đội ngũ DN có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững với ít nhất 500.000 DN hoạt động, trong đó có các DN quy mô lớn, nguồn nhân lực mạnh.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Nếu cả nước muốn có 1 triệu DN vào năm 2020, thì TP phải đạt mục tiêu có 500 nghìn DN. Hiện TP cũng đã chiếm một nửa trong số 500 nghìn DN cả nước. Tất nhiên đó chỉ là số lượng, chất lượng DN cũng phải nâng cao. Con số đó không viển vông, rất rõ ràng và có khả năng thực hiện được nếu cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP quyết tâm”.
Kỳ vọng vào những nền tảng cơ bản
Về kế hoạch hành động, nếu tính từ số hiện hữu khoảng 170.000 DN đang hoạt động với mục tiêu 500.000 DN vào năm 2020, bình quân mỗi năm TP. HCM phải có thêm khoảng 66-70.000 DN.
Cơ sở “nền” cho mục tiêu, theo Lãnh đạo TP, khá cụ thể với khoảng 250.000 hộ kinh doanh cá thể có nhiều tiềm năng phát triển thành DN. Không ít trong số này, theo ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. HCM, có hoạt động, làm ăn ở quy mô lớn và hiệu suất sinh lời tốt, an toàn hơn cả các DN quy mô nhỏ.
Thực tế kinh doanh của nhiều tổ chức tín dụng trong một giai đoạn dài đã, đang nhắm đến đối tượng kinh doanh này như những địa chỉ khách vay an toàn, tỷ lệ nợ xấu thấp. Điển hình như ACB một thời là nhà băng gắn liền với các hộ kinh doanh cá thể ở TP.HCM với các sản phẩm khá đa dạng. Sacombank là ngân hàng có chương trình tiên phong kết nối với các tiểu thương.
Phân tích dòng tiền và thực lực nhóm hộ kinh doanh cá thể, TS Đinh Thế Hiển- Chuyên gia Kinh tế cho rằng xưa nay chúng ta thường hay nghe nói đến chuyện các tiểu thương chuyện “vay nóng”, vay nặng lãi, nhưng cần lưu ý về bản chất, nhiều cá thể kinh doanh mỗi ngày có dòng tiền lưu động còn nhiều và mạnh mẽ hơn cả những DN sản xuất, kinh doanh thông thường. Đại đa số trong nhóm cá thể kinh doanh này cũng “ăn nên làm ra” mới chấp nhận được “tín dụng đen”, và nguyên nhân đưa họ đến tiếp cận “tín dụng đen” hay lập các nhóm “bóc hụi” không hẳn vì họ kinh doanh không hiệu quả, mà nằm ở chỗ các tổ chức tín dụng ít chịu chấp nhận cho vay không tài sản đảm bảo hoặc nhận thế chấp tài sản là hàng hóa. Như vậy, 250.000 hộ kinh doanh cá thể chính là lợi thế lớn nhất để TP mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng số lượng DN chiếm ½ tổng số DN trên cả nước sau 5 năm tới.
Một nền tảng cơ bản khác đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng về số lượng DN là chương trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. TP.HCM đang là tâm điểm của phong trào khởi nghiệp. Đông đảo DN khởi nghiệp tại TP.HCM đã “lộ diện” trong buổi trò chuyện mới đây với Tổng thống Mỹ của các Start-up nhân chuyến thăm chính thức của ông tới Việt Nam. Ở góc độ quản lý, lãnh đạo TP cũng đã chú trọng “quy hoạch” và bồi đắp cho hệ sinh thái này nhằm có thêm đội ngũ DN tương lai trong danh sách 500.000 DN mục tiêu, ít nhất là 2.000 DN có thể trụ lại, phát triển.
Thêm một chia sẻ quan trọng của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng có liên quan đến mục tiêu phát triển 500.000 DN là TP sẽ đề xuất Chính phủ cho DN tư nhân được vay vốn ODA. Nhiều DN tư nhân bày tỏ họ chờ đợi nếu TP.HCM được thí điểm phân bổ vốn vay ODA cho khối DN tư nhân đáp ứng được các quy định. Bởi từ đó, sức lan tỏa của nguồn vốn ngoại sẽ giúp TP. HCM đi trước, về trước đặc biệt trong hoàn thiện cơ sở hạ tầng – một trong những điều kiện cần cho thu hút các DN FDI đăng kí mới nói riêng và thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển các DN nói chung.
Lê Mỹ