The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

TPHCM muốn nâng chất lượng phục vụ người dân

TPHCM sẽ xây dựng chính quyền phục vụ dân người và doanh nghiệp không điều kiện, trên tinh thần hết sức cầu thị, sẵn sàng nhận lỗi và khắc phục để phục vụ tốt hơn.

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong hai Quyết định về kế hoạch triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện chỉ số quản trị hành chính công (PAPI) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2016-2020 vừa được UBND ban hành vào hôm qua, 28-6.

Mục tiêu đưa ra trong 2 quyết định này là sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, bảo đảm các loại thị trường được vận hành đầy đủ, thông suốt.

Thành phố sẽ nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền các cấp, tạo đột phá trong cải cách hành chính nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi, tạo sức mạnh đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Mục tiêu đặt ra của thành phố là nâng vị trí xếp hạng PCI vào nhóm 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước.

Ngày hôm nay (29-6), UBND TPHCM đã tổ chức Hội nghị quán triệt triển khai các giải pháp nâng cao hai chỉ số trên đến thủ trưởng các sở ban ngành, quận huyện và các đơn vị liên quan của toàn thành phố.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo chậm nhất là đến giữa tháng 7 này, tất cả các sở ban ngành, quận huyện... phải triển khai thực hiện hai quyết định trên.

Theo ông Tuyến, việc cải thiện chỉ số PAPI và PCI sẽ góp phần đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử, công khai, minh bạch. Sắp tới, thành phố sẽ thẩm định đề xuất của Sở Thông tin – Truyền thông về mô hình xây dựng chính quyền điện tử từ xã -phường- quận, huyện đến sở ngành.

Theo ông Tuyến, hiện nay nhiều nơi làm rất tốt nhưng việc nhân rộng, thống nhất, đồng bộ để tạo sự liên thông thì chưa có, còn tình trạng mạnh ai nấy làm. “Ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ và chưa phát huy tối đa nguồn lực của mình sẽ dẫn đến lãng phí”, ông Tuyến nói.

Cũng theo ông Tuyến, hiện nay việc ứng dụng chữ ký số đã được áp dụng rộng rãi. Và thành phố đã có văn bản chỉ đạo, chậm nhất ngày 15-7, thư mời họp nơi nào còn sử dụng giấy sẽ bị phê bình. Nếu không làm kịp thì chậm nhất là 20-7. “Cái này trong tầm tay làm được. Đến một lúc nào đó, UBND thành phố sẽ không dự bất cứ nội dung họp của sở ngành, quận huyện mà gửi thư mời giấy. Mỗi chuyện thư mời điện tử rất đơn giản mà không làm được thì không thể xây dựng chính quyền điện tử”, ông Tuyến lưu ý.

Ông Tuyến cho biết quan điểm của lãnh đạo thành phố là trong năm 2016 dù thứ hạng 2 chỉ số PAPI và PCI không tăng, thậm chí có thể giảm nhưng các tiêu chí đánh giá phải có sự tiến bộ, tăng trưởng.

Trong khi đó, ông Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện cán bộ Thành phố, khẳng định đã chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho việc sẵn sàng tới cấp cơ sở để tuyên truyền và phổ biến về chỉ số PAPI và PCI tới doanh nghiệp và người dân.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, PCI của TPHCM giảm từ hạng 4 năm 2014 xuống hạng 6 trong năm 2015.

Sự sụt giảm 2015 rơi vào 5 chỉ số thành phần: gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí không chính thức, tính năng động của lãnh đạo và đào tạo lao động. Nhìn tổng thể trong 5 năm 2011-2015, thành phố có 7/10 chỉ số thành phần luôn có điểm số dưới mức trung bình so với cả nước. Trong đó, có 4 chỉ số thành phần có thứ hạng trong nhóm thấp nhất và không có sự cải thiện đáng kể gồm: tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động của lãnh đạo, thiết chế pháp lý.

Ngoài ra, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công - PAPI của Thành phố trong 5 năm qua do Liên hiệp Các hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam công bố năm sau cũng tụt hạng so với năm trước, từ thứ 18 năm 2011 rơi xuống vị trí 47 năm 2015. Đáng chú ý, có hai chỉ số nội dung dưới điểm trung bình là sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở và trách nhiệm giải trình với người dân.

Hùng Lê

TheSaigontimes