The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

TPHCM phát động phong trào thi đua “Cải cách hành chính” giai đoạn 2023 - 2025

Tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TPHCM trong phong trào thi đua CCHC năm 2022

(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua “Cải cách hành chính” (CCHC) trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023 - 2025.

Theo đó, thông qua phong trào thi đua nhằm khơi dậy tinh thần tự giác, trách nhiệm, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước tích cực đề xuất các giải pháp, sáng kiến thiết thực, hiệu quả trong công tác CCHC; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các lĩnh vực CCHC, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu chương trình CCHC hằng năm và giai đoạn, đặc biệt cải thiện Chỉ số CCHC (PAR Index), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm (SIPAS) và Kết quả đánh giá chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh, cấp quốc gia; đồng thời, khắc phục các điểm còn hạn chế, phấn đấu đưa TP vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về CCHC vào năm 2025. Đối tượng thi đua gồm tập thể và cá nhân trên địa bàn TPHCM với nội dung thi đua cụ thể:

Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương: Xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động phòng trào thi đua CCHC giai đoạn 2023 - 2025 gắn với Kế hoạch thực hiện Chương trình cải cách và chủ đề công tác của UBND TP các năm 2023, 2024 và 2025. Hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu về công tác CCHC do UBND TP giao hằng năm và cả giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng hạn từ 98% trở lên trong từng lĩnh vực. Riêng lĩnh vực xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo tỷ lệ đạt 95% trở lên; giảm tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn trên lĩnh vực đất đai và lĩnh vực đầu tư xuống còn dưới 3%; 100% hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trễ hẹn phải kịp thời có thư xin lỗi tổ chức, cá nhân theo quy định; mức độ hài lòng của cá nhân và tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên. Đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt 95% trở lên, về giải quyết thủ tục hành chính đạt 95% trở lên. Thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đạt từ 90% trở lên. Đăng ký các mô hình giải pháp, sáng kiến về công tác CCHC bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế và đặc điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc TP.

Có 100% sở, ban, ngành TP, UBND TP Thủ Đức, quận, huyện, UBND xã, phường, thị trấn thực hiện ứng dụng thanh toán điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính; 100% đơn vị sự nghiệp công lập về lĩnh vực giáo dục, y tế ứng dụng thanh toán điện tử trong cung ứng dịch vụ; 100% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử trừ các văn bản bí mật nhà nước; có 100% đơn vị trực thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương đăng ký mô hình, giải pháp sáng kiến về cải cách hành chính; trong đó có ít nhất 10% mô hình, sáng kiến, giải pháp được áp dụng có hiệu quả. Chỉ số CCHC hằng năm đạt từ loại “Khá” trở lên (áp dụng đối với các cơ quan có đánh giá xác định chỉ số cải cách hành chính hằng năm). Tổ chức triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) của Chính phủ.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị thể hiện tính gương mẫu, tiên phong đi đầu trong CCHC, trong thực hiện quy chế văn hóa ứng xử, đạo đức công vụ; có giải pháp mang lại hiệu quả cao trong chỉ đạo, điều hành để hoàn thành tốt công tác CCHC và không để xảy ra trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi mình quản lý có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong thi hành công vụ.

Cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính; quy chế văn hóa ứng xử, đạo đức công vụ. Kết quả đánh giá, xếp loại đạt từ mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên. Đề xuất mô hình sáng kiến, giải pháp, cách làm hay, áp dụng công nghệ mới trong công tác CCHC nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, được công nhận và nhân rộng tại địa phương, cơ quan, đơn vị hoặc cấp TP. Thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại các đơn vị áp dụng chữ ký số trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

Đối với báo, đài, phóng viên, biên tập viên: Có những bài viết (bài viết bằng nhiều loại hình báo chí) để tuyên truyền các nội dung quy định về CCHC; các mô hình, sáng kiến, giải pháp của cá nhân, tập thể phải bảo đảm tính hợp pháp, thực hiện hiệu quả liên quan đến các lĩnh vực của công tác CCHC; đồng thời phản ánh những hạn chế, thiếu sót của cá nhân, tập thể để kịp thời khắc phục hoặc giới thiệu các gương điển hình là cá nhân, doanh nghiệp thực hiện tốt, hiệu quả các hoạt động trong cung ứng dịch vụ công đã được nhà nước thực hiện xã hội hóa. Có sáng kiến, cách làm hay trong công tác tuyên truyền về CCHC trên địa bàn TP.

Đối với người dân, doanh nhân và doanh nghiệp: Tích cực hợp tác cùng cơ quan, chính quyền các cấp thuộc TP trong cung ứng các dịch vụ công được xã hội hóa; tích cực thực hiện ứng dụng VNeID mức độ 1, 2; tích cực tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình hoặc một phần trên môi trường điện tử; tích cực tham gia đánh giá khách quan, trung thực về mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính; phản ánh kịp thời, trung thực những hành vi sai trái, nhũng nhiễu, gây khó khăn của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ hoặc có những hiến kế, giải pháp đóng góp tích cực cho việc thực hiện CCHC trên địa bàn TP.

Hình thức khen thưởng bao gồm: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của UBND TP; Giấy khen của các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc TP.

Theo Trang TTĐT Đảng Bộ TP.HCM