TP.HCM tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển hạ tầng
Ngày 7-1, HĐND TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TPHCM và Sở TT-TT TPHCM tổ chức chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” tháng 1 với chủ đề “Nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội TPHCM năm 2024”.
Dự chương trình có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM. Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu điều hành chương trình.
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp
Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai thông tin, năm 2024, TPHCM tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, kích cầu, thúc đẩy xã hội hóa, hợp tác công - tư, khuyến khích đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM. Đồng thời, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TPHCM.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98), thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, chương trình kích cầu đầu tư từ quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) cho vay, thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Trong đó, các doanh nghiệp khi thực hiện dự án trên địa bàn TPHCM sẽ được hỗ trợ lãi suất để mở rộng, đầu tư, phát triển sản xuất. Đồng thời, thành phố triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TPHCM…
Bổ sung thêm, Phó Giám đốc Sở TN-MT Huỳnh Văn Thanh cho biết, một trong những vướng mắc lớn ảnh hưởng đến doanh nghiệp là công tác xác định giá đất. Sở đã phân nhóm, phân loại và rút ra những vấn đề vướng mắc chính; xây dựng đề án làm cơ sở giải quyết. Trong đó, những vấn đề thuộc thẩm quyền của sở sẽ giải quyết sớm, những vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương, sở tham mưu UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng xem xét, giải quyết để đề ra giải pháp thích hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Sở TN-MT đã xây dựng và tham mưu UBND TPHCM ban hành quy chế và cơ chế phối hợp trong thực hiện tạo quỹ đất theo Nghị quyết 98 trên địa bàn TPHCM. Phó Giám đốc Sở TN-MT đánh giá, đây là giải pháp căn cơ và là “lá chắn” hữu hiệu, phù hợp tình hình thực tế của thành phố, để giải quyết tình trạng “đầu cơ đất đai” tại vùng phụ cận các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn của thành phố.
Tận dụng nguồn lực đất đai
Giải đáp ý kiến cử tri về tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực từ các dự án lớn, công trình trọng điểm, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Phan Công Bằng cho biết, từ kinh nghiệm giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3, sở đã có những giải pháp cho năm 2024.
Trong đó, sở sẽ phối hợp các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư và các thủ tục lựa chọn nhà thầu xây lắp, để đảm bảo tiến độ khởi công theo đúng kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá, đề xuất phương án, mô hình quản lý dự án phù hợp, để đáp ứng số lượng, quy mô các dự án trọng điểm nhằm triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 98. Trong đó, tập trung 5 dự án BOT trên đường hiện hữu đã được HĐND TPHCM thông qua.
Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cũng cho hay, UBND TPHCM đã ký thỏa thuận hợp tác 38 tỉnh, thành phố giai đoạn 2023 – 2025 trên nhiều lĩnh vực. Thành phố ưu tiên đầu tư mở rộng và nâng cấp hạ tầng giao thông, logistics, phát triển cảng biển, sân bay, hệ thống đường bộ, đường sắt… để đóng góp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của vùng Đông Nam bộ.
Đồng thời, TPHCM tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, sản xuất công nghiệp; phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp công nghệ, tạo điều kiện cho nghiên cứu và phát triển...
Thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Trao đổi về công tác thu hút nhân tài, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thông tin, TPHCM đang có nhiều giải pháp thu hút chuyên gia, nhà khoa học vào hệ thống chính trị, với những cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98. Theo đó, mức thu nhập cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt có thể lên đến 100 triệu đồng/người/tháng; thu nhập được hỗ trợ cho đối tượng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao có thể từ 2 lần đến 4 lần mức lương cơ sở vùng của thành phố; bên cạnh đó còn nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo và hỗ trợ về nhà ở.
Thành phố cũng đang xây dựng Đề án cải cách nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030, trong đó đề xuất những chính sách mới để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đạo đức, tài năng, tâm huyết cống hiến cho thành phố; trong đó đặc biệt chú trọng tạo điều kiện phát triển sự nghiệp, tạo động lực làm việc và khuyến khích, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ lao động chất lượng cao.
Những chính sách trên từng bước sẽ tạo nền tảng cơ bản để thành phố tiếp tục “chiêu hiền, đãi sĩ”, thu hút, giữ chân và trọng dụng nhân tài, góp phần xây dựng thành phố phát triển trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế sâu rộng.
- Phó Giám đốc Sở Nội vụ nhấn mạnh.
Về công tác đào tạo nguồn nhân lực, bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, UBND TPHCM đã đề ra mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Tập trung đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao, theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cung cấp nguồn nhân lực sau đào tạo có chất lượng cho thành phố và các địa phương trong khu vực Nam bộ, nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đến cuối năm 2025 đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc, đến năm 2030 đạt 89%.
Việc đào tạo nghề cho người lao động được UBND TPHCM yêu cầu linh hoạt hóa trong công tác tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nhằm cung ứng kịp thời nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, tổ chức các hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa áp dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), nhằm tạo điều kiện học tập thuận lợi cho người lao động. Triển khai các khóa huấn luyện kỹ năng quản lý quá trình đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, TPHCM tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu lao động, phát triển hoạt động giao dịch việc làm theo hướng hiện đại, có sự liên kết giữa các hệ thống thông tin, bao gồm: Thông tin về hướng nghiệp - đào tạo; tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm; kết nối dữ liệu chi trả bảo hiểm thất nghiệp với nhu cầu lao động của người lao động. Ngoài ra, còn có sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với công tác sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, chú trọng kết nối việc làm cho quân nhân xuất ngũ, sinh viên mới ra trường, lao động yếu thế…