The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

TP.HCM: Thủ tục hành chính: Từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý đều bị 'vướng'

TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, nhưng nhiều năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giảm và không còn nằm trong top 5 cả nước. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) cũng thấp so với kỳ vọng và mong đợi.
Thủ tục "hành" doanh nghiệp
Chia sẻ tại tọa đàm bàn tròn "Làm thế nào để TP.HCM tăng hạng chỉ số cải cách hành chính và là đầu tàu kinh tế của cả nước" do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức ngày 7/8/2022, bà Ngô Thị Thu Thủy - Tổng giám đốc Công ty TNHH FUJIWA Việt Nam cho biết, hiện nay doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn liên quan tới thủ tục hành chính. Đơn cử, thời gian qua nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch Covid-19, thuế VAT được hỗ trợ giảm từ 10% xuống còn 8%, đáng lẽ ra đây là một điều vui đối với doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, điều đó lại khiến DN thêm lao đao vì thông tư ra không rõ ràng áp dụng đối với từng loại ngành nào, cũng như không có hướng dẫn cụ thể, vì vậy không biết áp dụng ra sao. Gọi điện lên chuyên viên tại cơ quan thuế cũng không nắm rõ vấn đề nên "đơn từ" cứ xoay vòng không thể giải quyết được, DN cũng không thể xuất hóa đơn để giao hàng. Gửi công văn lên chi cục thuế thì phải đến hai tháng sau mới nhận được phản hồi, vì vậy DN đành chấp nhận lấy 10% thay vì 8% như thông tư ban hành vì sợ khi kiểm tra và truy thu thuế nếu như không đúng sẽ bị phạt.
Chưa hết, bà Thủy cho biết thêm,18 năm DN hoạt động không có đoàn nào kiểm tra, nhưng sau khi ngừng hoạt động được hai năm thì mới có đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, việc truy thu thuế vẫn còn rất lỏng lẻo và hời hợt trong việc nắm bắt và cập nhật thông tin. Có nhiều trường hợp bên bán và bên mua đã hoàn thành nghĩa vụ thuế xong từ 5 năm trước nhưng cơ quan thuế vẫn chưa nắm được thông tin, gây phiền hà và làm thủ tục sau này của DN vô cùng rắc rối.
Ông Văn Công Thật - Chủ tịch Hội DN Cần Giờ, Tổng giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọ cho biết, trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng cũng còn rất nhiều thủ tục rườm rà, nhiêu khê hành DN phải đi lên xuống cơ quan công quyền nhiều lần. Các hệ thống luật như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư... còn chồng chéo, thiếu đồng bộ. Thủ tục về đất đai vướng rất nhiều đối với nhà đầu tư, hiện nay có rất nhiều hồ sơ bị trả về, gây khó cho DN trong việc xây dựng nhà xưởng, địa điểm sản xuất kinh doanh... Bên cạnh đó có những trường hợp rất nhỏ như một công trình sai phép chỉ 3m2, nhưng có tận 27-28 người từ quản lý đô thị, thanh tra xây dựng đến chỉ để dự một cuộc họp, như vậy tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến DN và người dân, cho thấy thủ tục hành chính rắc rối đến mức nào.
Ông Kiều Huỳnh Sơn - Giám đốc Công ty Máy Thép Việt cho biết, chỉ riêng với vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng, công ty đã trải qua thời gian dài với nhiều trình tự, thủ tục nhiêu khê. Từ tháng 2 đến nay, công ty đã 3 lần gửi công văn đến Cục Thuế TP.HCM, Chi cục Thuế quận 1 đề nghị giải quyết hồ sơ hoàn thuế từ tháng 12/2020 - 11/2021. Công ty đã cung cấp các chứng từ, giải trình theo yêu cầu của Chi cục Thuế quận 1 và đã gửi thư "kêu cứu" đến nhiều cơ quan chức năng đến giờ mới nhận được thông tin là hồ sơ đã được tiếp nhận.
Bà Đinh Anh Đào - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Tập đoàn GAIA cũng chia sẻ: "Trình tự, thủ tục triển khai dự án nhà ở, khu đô thị được quy định tại nhiều hệ thống luật khác nhau nhưng lại thiếu đồng bộ, không thống nhất giữa các luật làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án. Chẳng hạn như tách thửa - một trong những hoạt động phổ biến trong thị trường bất động sản hiện nay nhưng DN không thể thực hiện được vì liên quan đến nhiều quy định pháp luật. Rồi đặc thù mỗi địa phương có những chính sách khác nhau về tách thửa đất dự án. Đã vậy, có rất nhiều thủ tục quy định không rõ, chồng chéo phát sinh các thủ tục, khó khăn trong thực hiện. Vậy nên, các cơ quan cấp giấy phép xây dựng luôn yêu cầu chủ đầu tư tự thỏa thuận với các cơ quan liên quan trước khi nộp hồ sơ xin phép xây dựng.
Không chỉ thủ tục nhiêu khê, các DN còn gặp khó vì vướng quy hoạch treo. Ông Trần Lê Bảo Châu - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Du lịch Phúc Lộc Thọ - Làng du lịch Cá Gô Đồng cho biết, có những quy hoạch lâu năm đến nay vẫn nằm trên giấy, chưa gỡ bỏ nên DN không dám mạnh dạn đầu tư. DN muốn xây dựng trung tâm hội nghị tiệc cưới tại Bình Quới (quận Bình Thạnh) nhưng vì vướng quy hoạch về xây dựng nên không thể triển khai.
Vướng thủ tục, lỡ cơ hội đầu tư
Theo bà Nguyễn Thùy Trúc Linh - Giám đốc Công ty Golden Bell Corporation, thời gian qua thành phố cũng đã nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính. Như việc áp dụng thu phí tự động thay vì thu phí trực tiếp như trước đây ở một số tuyến đường góp phần giải quyết ùn tắc giao thông và tiết kiệm thời gian cho người dân, DN. Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy thay vào đó là căn cước công dân có gắn chip, quản lý công dân qua hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần đơn giản hóa các thủ tục bằng giấy như trước đây, giải quyết những bất tiện do sổ hộ khẩu giấy mang lại. Ngoài ra, việc thành lập các ứng dụng như bảo hiểm xã hội, y tế, dịch vụ công... cũng đã góp phần đơn giản hóa thủ tục, tránh việc phải chờ đợi, tiết kiệm chi phí...
Kết quả phân tích dữ liệu báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI trên cả nước trong năm 2021 cho thấy, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Cụ thể, 87% DN đồng ý rằng "cán bộ giải quyết công việc hiệu quả”, 83% DN cho rằng "cán bộ thân thiện", 75% DN đồng tình với nhận định "DN không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục". Với các nhận định "thủ tục giấy tờ đơn giản" và "thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn so với quy định pháp luật", tỷ lệ DN đồng ý lần lượt là 74% và 80%. Được triển khai mạnh mẽ trong thời gian gần đây, dịch vụ công trực tuyến đang phổ biến trong giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, lãnh đạo Thành phố đã và đang đẩy mạnh công nghệ thông tin trong việc tương tác giữa chính quyền với DN, người dân. Trong tháng 7/2022, thành phố đã đẩy mạnh cổng thông tin 1022 thành công cụ điều hành, giám sát, xử lý phản ánh của người dân. Trong tháng 7, cổng đã nhận trên 22.000 phản ánh, kiến nghị của người dân.
Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính có cải thiện song vẫn cần thêm nhiều nỗ lực cải cách. Quá trình điều tra PCI cho thấy, vẫn còn một số thủ tục hành chính gây phiền hà, khó khăn cho DN. Có 29% DN phản ánh các thủ tục trong các lĩnh vực thuế phí, 28,9% phản ánh phiền hà với các thủ tục đất đai, 21,1% và 13,1% các DN phản ánh phiền hà với các thủ tục xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều DN gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục về cấp phép kinh doanh. 21,7% DN cho biết đã trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2021 do gặp phiền hà về cấp phép kinh doanh có điều kiện.
"Nhiều thủ tục tồn đọng và chưa được thực hiện đồng bộ và cụ thể. So sánh với những nước như Thái Lan, Hàn Quốc... TP.HCM phải nỗ lực hơn rất nhiều và đồng bộ từ cấp trên xuống dưới. Nếu không cải cách triệt để sẽ gây ra rất nhiều những hệ lụy đối với doanh nghiệp, bào mòn sự phát triển của DN, kéo giảm phát triển kinh tế của thành phố”, ông Thật đề xuất.
Từ tháng 5/2020, khi có Nghị quyết 68 về cải cách hành chính, đến nay vẫn còn nhiều ách tắc, lãng phí và cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn còn chậm. Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đang có những chồng chéo, chưa thống nhất, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các DN bất động sản.
Việc thủ tục hành chính rắc rối kéo dài khiến DN bỏ lỡ rất nhiều cơ hội đầu tư, không kịp tham gia các hạng mục như đấu thầu, vay vốn đầu tư, sản xuất nhưng không xuất hàng được... ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế của DN.
Nhiều cơ quan phối hợp chưa đồng bộ
Tại phiên họp về tình hình hình kinh tế - xã hội tháng 7/2022, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM thừa nhận, hiện các thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng đang phát sinh các hồ sơ trễ hẹn, nhận nhiều ý kiến phản ánh từ người dân.
Nguyên nhân của những "nút thắt" này đến từ ngay chính sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Quy trình nội bộ giữa các sở ngành, quận, huyện chưa hiệu quả và vẫn đang... lòng vòng. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho rằng, sự phối hợp giữa các sở ngành, địa phương trên địa bàn còn chậm và nhiều bất cập. Dù đã áp dụng quy trình cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ nhưng chất lượng tham gia góp ý giữa các sở ngành, đơn vị chưa cao. "Thực tế là các sở ngành hỏi, xin ý kiến về một vấn đề rất khó. Các sở ngành muốn công việc chạy nhanh, bớt quay vòng thì khi đóng góp ý kiến, tham mưu cần giảm các nội dung không chất lượng", ông Trần Quang Lâm đã đặt vấn đề với các cơ quan ban ngành ngay tại phiên họp hồi cuối tháng 7/2022.
Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cũng cho biết, có nhiều hồ sơ, các sở ngành, đơn vị hỏi ý kiến rất nhiều và Sở Công Thương cũng phải mất nhiều thời gian trả lời các sở khác. Với các phần việc do Sở Công Thương phụ trách, dù đã được giao ngân sách nhưng chưa thể thực hiện do chưa nhận được góp ý từ những đơn vị khác. Do đó, từ lúc xin chủ trương đến triển khai thực hiện, Sở Công Thương phải mất nhiều tháng cho một phần việc có thể thực hiện nhanh hơn.
"Thành phố đang tập trung hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh, vì vậy việc giải quyết hồ sơ phải nhanh và kịp thời, đồng thời trong quy trình xử lý nội bộ phải chuẩn bị tương thích với chủ trương để đáp ứng nhu cầu của người dân, DN. Muốn vậy, cần tăng trách nhiệm của các sở chuyên ngành", ông Bùi Tá Hoàng Vũ đề xuất.