TPHCM tìm cách cải thiện chỉ số PCI, PAPI
Chính quyền TPHCM cần ban hành các biện pháp chế tài mạnh mẽ chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, hối lộ, nhận phí bôi trơn; tuyển dụng công chức phải công khai, minh bạch tránh gian lận, tránh ưu tiên, quan hệ, tiền lệ trong tuyển dụng.
Trên đây là ý kiến góp ý của một số chuyên gia tại Hội thảo bàn giải pháp nâng cao chỉ số quản trị hành chính công (PAPI) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho TPHCM do Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM tổ chức sáng nay, 12-5.
Theo góp ý của bà Nguyễn Chi Mai từ Học viện Hành chính quốc gia tại TPHCM tại hội thảo, thành phố cần hoàn thiện các văn bản pháp luật theo hướng thông thoáng hơn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bình đẳng và bớt những thủ tục phiền hà.
Thành phố phải có thêm đường hướng, chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), học tập Đà Nẵng trong đào tạo lao động chất lượng cao; có chính sách đối với người dân nhập cư sao cho thu hút được nhân tài, giảm nghèo, giảm tệ nạn xã hội.
Về hạ tầng, bà Mai góp ý thành phố cần đẩy mạnh cải tạo đường sá, cần xây dựng hệ thống cầu đường phù hợp với đô thị, phát triển phương tiện giao thông công cộng, chống ngập nước, công khai minh bạch thu chi tài chính cấp xã phường, tạo thêm kênh tiếp thu ý kiến người dân,...
“Thành phố cần ban hành các biện pháp chế tài mạnh mẽ chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, hối lộ, nhận phí bôi trơn. Tuyển dụng công chức phải công khai, minh bạch tránh gian lận, tránh ưu tiên, quan hệ, tiền lệ trong tuyển dụng công chức”, bà Mai góp ý giải pháp.
Cần nhắc lại, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI – Public Administration Performance Index) là công cụ chính sách nhằm đo lường và theo dõi hiệu quả công tác quản trị, điều hành của hệ thống hành chính nhà nước với sáu nội dung cụ thể: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; tính công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công.
Còn chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI – Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đánh giá, xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp dân doanh.
Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 21 HĐND TPHCM diễn ra cuối tháng 4-2016, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng chỉ số PAPI sụt giảm, trách nhiệm giải trình với người dân, sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt dưới điểm trung bình cho thấy chất lượng phục vụ của các cấp chính quyền TPHCM cần được cải thiện, và đây là một thách thức rất lớn đối với mục tiêu xây dựng thành phố thành một nơi đáng sống, trở lại ánh hào quang của một "Hòn ngọc Viễn Đông" trước đây.
Còn tại buổi họp về tình hình kinh tế xã hội TPHCM 4 tháng đầu năm 2016 mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện dành thời gian góp ý liên quan đến các chỉ tiêu mà thành phố bị đánh giá tụt hạng trong năm 2015 vừa qua, bởi theo ông Phong, trong năm 2015 theo đánh giá của VCCI, thành phố có nhiều chỉ số thành phần trong chỉ số đánh giá chung như chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số về chi phí thời gian, chỉ số thiết chế pháp lý của thành phố có tăng nhưng không đáng kể.
Trong khi đó, các chỉ số cạnh tranh bình đẳng và chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp giữ nguyên. Riêng các chỉ số gia nhập thị trường từ 61 tụt còn 62, chỉ số minh bạch từ hạng 4 tụt xuống 17, chỉ số chi phí không chính thức từ 42 rơi xuống 54, chỉ số năng động từ 50 tụt xuống còn 51, đào tạo lao động từ 5 tụt xuống 6.
Thảm hại nhất là chỉ số về tính minh bạch của thành phố từ hạng 4 rơi xuống hạng 17 và chỉ số chi phí không chính thức từ 42 xuống 54 là hai chỉ số tụt hạng mà theo ông Phong là rất đáng suy ngẫm. Chưa kể, trong chỉ số PAPI, thành phố xếp hạng 47 trong 63 tỉnh thành với 5/6 chỉ số thành phần bị tụt giảm.
Văn Nam