The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Trà Vinh - Cải thiện Chỉ số PCI: Tăng cường nghiệp vụ, kinh nghiệm cho cán bộ cơ sở

Chỉ số PCI của tỉnh trong 02 năm qua thiếu ổn định (năm 2020, đạt thứ hạng 48/63 và năm 2021, đạt 51/63 tỉnh, thành phố của cả nước). Kết quả này chưa thật sự cải thiện như kỳ vọng, những nỗ lực của tỉnh cũng chưa thu hẹp khoảng cách với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Năm 2020 và 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng tỉnh luôn quan tâm đến những hoạt động có liên quan đến nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh. Theo đó, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành, hướng đến xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại...
Tuy nhiên, kết quả Chỉ số PCI của tỉnh trong 02 năm qua thiếu ổn định (năm 2020, đạt thứ hạng 48/63 và năm 2021, đạt 51/63 tỉnh, thành phố của cả nước). Kết quả này chưa thật sự cải thiện như kỳ vọng, những nỗ lực của tỉnh cũng chưa thu hẹp khoảng cách với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Từ thực tế đó, đầu tháng 9/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo phân tích hệ thống Chỉ số PCI cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, nhằm giúp cán bộ các sở, ngành, địa phương tiếp cận cụ thể hơn về chỉ số, về phương thức đánh giá, những tác động mà Chỉ số PCI mang lại. Trên cơ sở đó, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, vận dụng hiệu quả trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nhất là nắm chắc và sâu sát, cầu thị trước các phản hồi từ cộng đồng DN đối với các hạn chế của cơ quan, ngành, lĩnh vực và địa bàn phụ trách.
Qua hội thảo, giúp cán bộ cơ sở nhận thức đúng, đủ; tầm quan trọng của Chỉ số PCI. Đây là công cụ, thước đo quan trọng để đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường đầu tư, đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của tỉnh; nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt giảm thứ hạng Chỉ số PCI của tỉnh, xác định nguyên nhân: một ít ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức trong công tác quản lý, điều hành; nhận thức về cải cách thủ tục hành chính còn hạn chế; việc đối thoại, tháo gỡ khó khăn với người dân và DN có thời điểm chưa kịp thời; nhiều khó khăn trong đầu tư công, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như thủ tục đăng ký đầu tư, thu hồi đất, giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án; việc theo dõi, đánh giá, nâng cao các chỉ số thành phần, đề xuất giải pháp cải thiện Chỉ số PCI cấp tỉnh đôi lúc thiếu kịp thời…
Hội thảo nhằm đánh giá những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt giảm thứ hạng Chỉ số PCI. Trên cơ sở đó, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, khoa học các giải pháp, nhằm sớm tạo bứt phá về điểm số và thứ hạng Chỉ số PCI trong năm 2022 và những năm tới theo hướng bền vững; phấn đấu tăng điểm những chỉ số còn thấp, duy trì và phát triển những chỉ số thành phần có thứ hạng cao.
Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý, ngăn chặn tình trạng gây phiền hà cho người dân và DN trong giải quyết công việc. Người đứng đầu các cấp, các ngành năng động, tiên phong trong thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng DN nhằm tạo môi trường kinh doanh tốt nhất để các nhà đầu tư và DN yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính khẳng định: hiện nay, tỉnh đang cùng với cả nước đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và DN.
Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để nâng cao tính công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí cho người dân và DN. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - diễn giả của hội thảo mạnh dạn chia sẻ với tỉnh về những vấn đề mà tỉnh cần quan tâm trong thời gian tới: đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch; trong đó, chú trọng công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, nhất là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, định hướng thu hút đầu tư…
Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối thoại giữa chính quyền và DN ở các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; đa dạng hóa các hình thức đối thoại; chủ động tiếp thu, nắm bắt nhanh những khó khăn, vướng mắc của DN, nhà đầu tư để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời. Phát huy vai trò của Hiệp hội DN tỉnh trong việc làm cầu nối đại diện cho tiếng nói, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các DN; tích cực, chủ động nghiên cứu triển khai các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng DN tỉnh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.