Trăm nghe không bằng một thấy
“Trăm nghe không bằng một thấy” là thành ngữ thích hợp diễn tả mong muốn của nhiều doanh nghiệp về kết quả cụ thể sau khi Chính phủ đã xác định năm 2017 là năm giảm chi phí cho họ. Đây là một mục tiêu rõ ràng được đề ra với nhiều giải pháp. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, tác động thực tế cho đến nay vẫn còn chưa rõ.
Trong một động thái hướng đến mục tiêu nói trên, hồi tháng 6, Bộ Tài chính đã gửi văn bản đề nghị các cơ quan, từ bộ đến ủy ban nhân dân cấp tỉnh, rà soát cắt giảm các khoản phí đang thu nhằm hạ chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Cụ thể hơn, như TBKTSG đưa tin tuần trước, bộ này đã nêu đích danh một số mức phí cần được giảm, ví dụ trong dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư số 277/2016/TT-BTC ngày 14-11-2016, Bộ Tài chính đề nghị giảm phí thẩm định nội dung thông tin, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm từ 1,8 triệu đồng xuống 1,6 triệu đồng, bãi bỏ phí thẩm định hồ sơ cấp thẻ người giới thiệu thuốc... Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương phải có văn bản góp ý về các loại phí để Chính phủ xem xét trong kỳ họp tháng 10.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã “điểm mặt” công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu là một khâu doanh nghiệp đang phải gánh chi phí rất lớn, trong khi hiệu quả rất kém. Những con số thống kê cụ thể sau đây cho thấy sự chính xác của nhận định này. Tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành lên tới 35%, nhưng tỷ lệ sai phạm phát hiện chỉ 0,06%, nghĩa là phần lớn tiền của đang bị đổ vào khoảng hư không.
Thuế, phí cao đang là rào cản rất lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận, cơ hội kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2017 cho rằng, về cơ bản, chi phí kinh doanh ở Việt Nam vẫn cao so với các nước ASEAN khi doanh nghiệp phải đóng mức thuế (thuế doanh nghiệp và bảo hiểm) bằng 39,1% so với lợi nhuận, hơn gấp đôi Singapore.
Một vấn nạn khác mà mỗi khi nhắc đến, nhiều cơ quan nhà nước lại thấy không dễ chịu chút nào, đó là chi phí không chính thức. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 công bố tháng 3 năm nay cho thấy chi phí này của doanh nghiệp tư nhân giai đoạn 2014-2016 vẫn chưa cải thiện bao nhiêu so với 10 năm trước. Có đến 66% số doanh nghiệp được khảo sát nói họ thường xuyên phải trả các khoản ngoài sổ sách.
Rõ ràng, những lỗ hổng về thể chế và bộ máy trong lĩnh vực thuế, phí - chính thức cũng như không chính thức - đang bào mòn sức khỏe doanh nghiệp, và nếu nguyên trạng này không đổi, họ có chạy đằng trời vẫn không khỏi. Người ta thường hỏi vì sao doanh nghiệp Việt Nam “không chịu lớn” hay lý do gì khiến hộ kinh doanh gia đình “không chịu lên doanh nghiệp”. Câu trả lời là ngoài vốn, kỹ thuật, trình độ quản lý... không thể không đề cập đến một thực tế là với quy mô càng lớn, doanh nghiệp càng dễ bị “săm soi” để buộc phải trả những khoản này với tỷ lệ cao hơn.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, cần thiết chế một bộ máy độc lập khỏi các bộ, ngành, địa phương nhằm theo dõi sát sao và điều chỉnh một cách hiệu quả các chính sách, thể chế dành cho doanh nghiệp, cũng như kịp “tuýt còi” vi phạm của đơn vị liên quan. Tổ chức độc lập này cũng cần phải có thẩm quyền đánh giá các loại phí doanh nghiệp đang gánh chịu nhằm đề xuất cắt giảm. Còn hiện nay, trong khi chờ các động thái tiếp theo, cộng đồng doanh nghiệp đang rất mong đề nghị của Bộ Tài chính giảm phí cho họ được thực hiện đến nơi, đến chốn.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn