The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Trau dồi, tu dưỡng để phục vụ người dân!

Để xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, vì nhân dân phục vụ thì việc đẩy mạnh CCHC là một tất yếu. Và đây cũng là đòi hỏi từ thực tế đời sống xã hội.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác CCHC giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cán bộ hưởng lương từ tiền thuế của dân phải có trách nhiệm phục vụ người dân. Thủ tướng yêu cầu tập trung thảo luận, phân tích về khâu yếu nhất là chất lượng cán bộ. Thủ tướng đã “điểm đúng huyệt”, vấn đề là các địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở phải thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, yếu kém, từ đó có những điều chỉnh cần thiết để phục vụ nhân dân.

Thời gian gần đây, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện CCHC và đạt được nhiều kết quả khả quan. Giá trị trung bình CCHC của 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt 85,3%, mức cao nhất trong 4 năm thực hiện việc xác định chỉ số CCHC. Các tỉnh, thành phố cũng tích cực đẩy mạnh cải cách trong phần việc rất phức tạp này. Tại Hà Nội, từ ngày 10-8, thành phố đã triển khai chính thức hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 tại tất cả các phường của 12 quận, để đến cuối năm 2016 triển khai tại tất cả 584 xã, phường trên địa bàn thành phố. Đó là kết quả hết sức tích cực và được người dân đánh giá cao. Với tiến triển nói trên, những người có quan điểm “Hà Nội không vội được đâu” sẽ phải… nghĩ lại. Cẩn trọng, chắc chắn, Hà Nội đã, đang vươn lên mạnh mẽ trong CCHC. Vì vậy, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh những năm qua của Hà Nội đã có những bước tiến ổn định, vững vàng qua mỗi năm và vươn lên vị trí 24/63 tỉnh, thành phố vào năm 2015.

Kết quả đạt được trong CCHC trên toàn quốc là rất đáng khích lệ, nhưng với những vụ việc xảy ra thời gian qua, đặc biệt là vụ quán cà phê “Xin Chào”, rồi “điện thoại cùi bắp” xảy ra ở TP Hồ Chí Minh - một thành phố hừng hực sức trẻ, có thể thấy các “công bộc” phải nỗ lực hơn rất nhiều để phục vụ nhân dân. Đây thực sự là đòi hỏi rất cao, nhất là khi “hơi nóng” hội nhập ngày càng gay gắt, với những quy định của “sân chơi lớn”. Cách nghĩ, cách làm luẩn quẩn trong “lũy tre làng” với tư duy “một nghìn cái lý không bằng một tí cái tình”, rõ ràng đã không còn phù hợp.

Để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người dân, mỗi cán bộ, công chức phải không ngừng nâng cao trình độ, nghiệp vụ, phục vụ người dân nhanh chóng, hiệu quả. Thế nhưng, ở đâu đó, vẫn còn những cán bộ, công chức chậm thay đổi tư duy, chưa nỗ lực học hỏi, nâng cao trình độ, nghiệp vụ, tu dưỡng đạo đức. Thậm chí ngay ở Hà Nội, dù thành phố đã bỏ kinh phí để đào tạo công nghệ thông tin cho cán bộ các địa phương, nhưng vì nhiều lý do, vẫn không ít “công bộc” ngại học. Tất nhiên, nếu không tham gia các khóa đào tạo miễn phí, thành phố khẳng định, mỗi cán bộ, công chức phải tự bỏ tiền túi để nâng cao nghiệp vụ. Bởi đơn giản - nếu không học nghiệp vụ công nghệ thông tin thì chắc chắn không thể theo kịp yêu cầu phục vụ người dân nhanh và thuận tiện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Không chỉ đòi hỏi trau dồi kiến thức, nâng cao nghiệp vụ, mỗi cán bộ, công chức phải thường xuyên tu dưỡng đức, vì dân phục vụ, đặc biệt là cán bộ cơ sở, tiếp xúc trực tiếp với người dân. Cán bộ, công chức cơ sở không có tài, có đức, chủ trương, chính sách dù đúng, trúng đến mấy cũng khó có thể đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Bởi thế, thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra hôm qua, thật sự là những mệnh lệnh hành động mới và cần phải được lan tỏa mạnh mẽ trong hệ thống chính quyền các cấp: "Kiên quyết tinh giản, đưa ra khỏi bộ máy người không đủ tiêu chuẩn, không lo cho dân"; ... "Thi tuyển phải tìm người tài chứ không phải người nhà; người tài ở bìa rừng, góc núi, phải tìm ra mà bổ nhiệm vào bộ máy".

Mai Lâm