The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Trên 57% lao động làm việc ở khu vực phi chính thức

Trong khi nhóm tuổi 24 – 35 có việc làm phi chính thức chiếm 47%, thì nhóm 35 – 40 tuổi tăng lên tới 53%. Và, khi tuổi càng cao thì tỉ lệ lao động làm việc ở khu vực không có quan hệ lao động càng tăng.

Thông tin này được Trưởng nhóm Nghiên cứu Chính trị - xã hội Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Nguyễn Khắc Giang đưa ra tại phiên thông tin Đo lường việc làm phi chính thức tại Việt Nam, do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội tổ chức chiều 3/10.

Việc làm phi chính thức là những người làm việc trong lĩnh vực không có quan hệ lao động và không đóng bảo hiểm xã hội. Những người này cũng không được bảo vệ bởi luật Lao động, hưởng trợ cấp xã hội và hỗ trợ việc làm.

Người lao động đăng ký ứng tuyển tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội.

Theo thông tin từ nhóm Nghiên cứu Chính trị - xã hội Viện VEPR: cả nước có 57,2% số lao động có việc làm phi chính thức trên tổng số 53,3 triệu người có việc làm vào năm 2016. Nghiên cứu cũng chỉ ra, số lao động phi chính thức trong và ngoài khu vực phi chính thức ngày càng gia tăng theo các năm. Theo đó, năm 2014 có 16.829.130 người, năm 2015 tăng lên thành 17.534.178 người và năm 2016 là 18.024.895 người. “Năm 2016, cả nước có 4,9 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó 60% được coi nằm trong khu vực phi chính thức, sử dụng khoảng 8,2 triệu lao động. Có tới 80% hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ và rất hạn chế về mặt quy mô lao động, vốn và công nghệ...” – ông Giang cho hay.

3 nguyên nhân về thực trạng lao động phi chính thức tăng lên được ông Giang chỉ ra. Tình hình kinh tế vĩ mô chưa hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tăng trưởng chỉ với tốc độ 5,91%/năm (2011 – 2015), giảm mạnh so với thời kỳ trước (7,51%/năm và 6,32%/năm trong giai đoạn 2001 – 2005 và 2006 – 2010). Ngành nông nghiệp thu hẹp quy mô, chỉ chiếm 11 – 13%, ước tính tăng trưởng ở mức 0,72%/năm 2016 và chỉ đóng góp 0,09% cho tăng trưởng GDP. Năm 2013 – 2016, mặc dù số lượng DN tăng nhưng tỉ lệ việc làm giảm. Tỉ lệ DN thành lập mới được cải thiện nhưng với tốc độ rất nhỏ. Trong khi đó, số lượng DN dừng hoạt động khá cao.

Về phía DN, tổng thuế suất (phần trăm lợi nhuận) ở Việt Nam lên tới 39,4%, gấp 1,5 lần so với mức trung bình của 32 quốc gia hàng đầu. Khảo sát PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh VCCI) 2017 cho thấy 58% DN phải trả phí không chính thức cho công chứng. Trong khi ấy, DN thiếu khả năng tiếp cận thị trường, vốn, công nghệ. VEPR cũng chỉ ra nguyên nhân từ phía người lao động dẫn đến số người làm việc trong khu vực phi chính thức tăng. Thứ nhất, chính sách lao động chưa hoàn thiện. Bảo hiểm xã hội tự nguyện không hiệu quả và hầu như chưa được xem là phương án bảo hiểm cho người lao động ở khu vực phi chính thức. Tính cạnh tranh cao của việc làm tại khu vực chính thức cũng khiến lao động dễ bị tổn thương hơn. Hiện tượng các DN chính thức (cả trong nước và FDI) tìm cách để đào thải lao động trên 35 – 40 tuổi diễn ra thường xuyên ở nhiều khu công nghiệp, tạo ra rủi ro về việc làm cho các đối tượng trên.

Đặc biệt là thiếu tiếng nói và đại diện của người lao động. DN vừa và nhỏ, và người lao động làm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh ở khu vực phi chính thức không có tổ chức đại diện quyền lợi. Tổ chức nghiệp đoàn chỉ xuất hiện rất ít ở các tỉnh phía Nam và tiếng nói không đủ mạnh. Chia sẻ với báo chí về lao động khu vực không có quan hệ lao động tại các quốc gia trên thế giới, Giám đốc Văn phòng điều kiện việc làm Tổ chức lao động quốc tế tại Geneva (Thuỵ Sĩ) Philipppe Marcadent nhận định: Nước nào có thu nhập càng cao thì tỉ lệ lao động phi chính thức càng nhỏ. Ông Philipppe cũng đưa ra 3 khuyến nghị để Việt Nam giảm thiểu tỉ lệ lao động làm việc ở khu vực phi chính thức. Thứ nhất, Nhà nước cần có chính sách chính thức hoá việc làm ở khu vực phi chính thức mang lại lợi ích cho người lao động cũng như DN. Thứ hai, giải quyết được vấn đề bảo hiểm xã hội để số người tham gia tăng lên. Thứ ba, có chính sách đặc thù cho từng ngành và đối tượng , cũng như cải thiện tăng năng suất lao động.

Thủy Trúc

Kinh tế Đô thị