Triển khai Nghị quyết 35: Không để “trên nóng, dưới lạnh”
Ngày 9/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ hai của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp.
Nội dung cuộc họp tập trung nhận diện tình hình doanh nghiệp sau khi thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020.
Trên quyết liệt, dưới thờ ơ?
Phát biểu tại cuộc họp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 35 được ban hành, nhiều địa phương, bộ, ngành đã tổ chức thực hiện và có chương trình hành động. VCCI cũng có chương trình hành động thực hiện nghị quyết này gắn liền với việc hỗ trợ các tỉnh thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Việc ban hành Nghị quyết 35 trong thời gian ngắn kỷ lục thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện. Trên thực tế, việc triển khai Nghị quyết 35 đã đạt được kết quả quan trọng, nhất là tạo dựng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào cam kết về Chính phủ kiến tạo, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, có chuyển dịch tư tưởng, nhận thức trong bộ máy công quyền ở cả Trung ương và địa phương với tinh thần phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, trong quá trình thực thi Nghị quyết 35, bên cạnh một số bộ, ngành làm rất tích cực, tạo chuyển biến rõ ràng thì cũng có những bộ, ngành, địa phương không tích cực. Tinh thần cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hừng hực trong Chính phủ, một số bộ, ngành nhưng xuống địa phương thì chưa tốt và nhiều nơi còn “lạnh lẽo lắm”. Tình trạng “nóng trên, lạnh dưới” là thực tế tình hình thực hiện Nghị quyết 35.
Vẫn theo đại diện VCCI, đa số nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết 35 không nêu rõ chế tài cụ thể. Vì vậy, một số tỉnh không giao rõ cho đơn vị trực thuộc thực hiện, có tỉnh lại chi tiết hóa các nhiệm vụ này. Nghị quyết 35 cũng chưa đề cao sự giám sát của đoàn thể, xã hội, hiệp hội doanh nghiệp đối với trách nhiệm thực thi của các cấp nên chưa phát huy được tác dụng.
Còn ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương cho rằng, Nghị quyết 35 đã nêu nội dung, nhiệm vụ rất rõ. Thống kê cho thấy có những nhiệm vụ chưa làm được, nhưng thực tế là có những vấn đề không thể làm ngay, nên phải nói rõ là đang tiến hành để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm. “Tính đến thời điểm hiện tại thì mới thực hiện Nghị quyết 35 được 9 tháng, việc thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 35 hiện nay là tốt rồi. Nếu làm tốt nghị quyết này thì sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, không cần Nghị quyết 35B nữa”, ông Thanh nhấn mạnh.
Theo ông Thanh, việc cần làm hiện nay là đốc thúc thực hiện các nhiệm vụ còn dang dở và nên kết thúc sớm để số nhiệm vụ chưa hoàn thành giảm đi. “Cái gì địa phương, bộ, ngành làm được thì giải quyết đi, làm trước một bước. Tránh tình trạng có những vấn đề doanh nghiệp bức xúc với địa phương cũng đưa lên kêu với Chính phủ như tại Hội nghị đối thoại với Thủ tướng (lần 1), làm cho đối thoại bị loãng đi. Đồng tình có chuyện “trên nóng, dưới lạnh” thì phải tiến dần trên nóng, dưới ấm, rồi trên nóng, dưới nóng và tới năm 2020 cố gắng trên nóng, dưới nóng sốt”, ông Thanh nhấn mạnh.
Nhiều giải pháp thực thi mạnh mẽ
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, Nghị quyết 35 đã được làm nhanh, tổ chức thực hiện quyết liệt. Theo đánh giá tác động tới doanh nghiệp đối với nhóm giải pháp đảm bảo quyền kinh doanh bình đẳng, 3/4 số doanh nghiệp được lấy ý kiến đánh giá tích cực, tương đối tích cực và rất tích cực, còn lại đánh giá là chưa tích cực. 75% doanh nghiệp cũng đánh giá tích cực về tạo thuận lợi thương mại.
Để chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ hai của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, VCCI có báo cáo thực hiện Nghị quyết 35. Trong đó phải bám sát 5 chủ trương lớn, giải pháp lớn của Nghị quyết 35 và nhiệm vụ được giao để đánh giá mức độ hoàn thành.
Từ nay tới khi tổ chức Hội nghị, các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng nhằm không để dồn tất cả các kiến nghị của doanh nghiệp lên tới tận Thủ tướng, mà phải giải quyết theo từng cấp. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bám sát các vấn đề: tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí thấp, ít rủi ro pháp lý; các vướng mắc và giải pháp khơi thông 5 loại thị trường; nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đi sâu hơn, phân tích đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kết quả tạo thuận lợi thương mại và cơ chế 1 cửa quốc gia (mục tiêu là 80% thủ tục lên 1 cửa vào năm 2018, 100% vào năm 2020; đơn giản hóa 73 thủ tục kiểm tra chuyên ngành liên quan tới nhiều ngành sản xuất); bảo vệ sản xuất; có giải pháp phát triển thị trường vốn, hỗ trợ ngân hàng…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao có báo cáo về chỉ số phát triển doanh nghiệp, công bố công khai bộ chỉ số này cho cộng đồng doanh nghiệp, xã hội trong năm 2017, động viên, khen thưởng các đơn vị có giải pháp phát triển doanh nghiệp tốt.