Triển khai thực hiện Đề án DDCI tỉnh Thanh Hóa năm 2022
17 Tháng 11, 2022
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) tỉnh Thanh Hóa năm 2022.
Mục đích nhằm phát huy kết quả khảo sát năm 2021 và tiếp tục hoàn thiện bộ chỉ số để cung cấp cho lãnh đạo tỉnh một công cụ hiệu quả nhằm giám sát và chỉ đạo nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Đồng thời tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện; tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực; Kết quả chỉ số DDCI tỉnh Thanh Hóa là một trong các căn cứ để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và phong trào thi đua của các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh; Tạo kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đối với chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành trong việc nâng cao chất lượng điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương; Hỗ trợ lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện xác định trọng tâm cải cách, lựa chọn và triển khai các giải pháp kịp thời, phù hợp để cải thiện hiệu quả hoạt động của đơn vị mình, từ đó góp phần tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của tỉnh, cải thiện chỉ số PCI trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Phạm vi khảo sát gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với số lượng khoảng 4.000 mẫu được chọn; gửi mỗi mẫu 03 phiếu khảo sát bản in; kết hợp với các hình thức khảo sát trực tuyến, khảo sát trực tiếp. Phấn đấu đạt 2.000 phiếu khảo sát phản hồi.
Đối tượng khảo sát gồm 52 đơn vị (25 đơn vị sở, ban, ngành cấp tỉnh và 27 UBND cấp huyện) của tỉnh Thanh Hóa.
Nội dung khảo sát trên cơ sở điều chỉnh và hoàn thiện bộ tiêu chí DDCI 2021, tập trung đánh giá các chỉ số thành phần có tác động trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; các chỉ số ở thứ hạng chưa cao, cần cải thiện quyết liệt và có thể quy điểm tương đồng để đánh giá giữa các cơ quan.
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố cung cấp danh sách doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có tương tác và thực hiện các thủ tục hành chính trong năm 2022 tại đơn vị cho VCCI Thanh Hóa để thực hiện việc khảo sát; Triển khai, phổ biến, quán triệt việc thực hiện Kế hoạch này đến phòng, bộ phận chuyên môn và các đơn vị trực thuộc. Đề ra các giải pháp thực hiện một cách hiệu quả, thiết thực nhằm phát huy kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của đơn vị; Chủ động đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về Chỉ số DDCI tỉnh Thanh Hóa và những nỗ lực của đơn vị mình trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên các phương tiện truyền thông (website của đơn vị, đài, báo, tạp chí) để tạo niềm tin cho doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Theo Báo Thanh Hóa