The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Triển vọng đầu tư ở Thái Bình

Những năm gần đây, các cấp ủy đảng, chính quyền và các địa phương trong tỉnh luôn quan tâm triển khai các giải pháp nhằm nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Từ một tỉnh nông nghiệp, Thái Bình đã từng bước bứt phá vươn lên, diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc, mở ra triển vọng mới cho công tác thu hút đầu tư của tỉnh.

Hoạt động sản xuất ở Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thaoHoạt động sản xuất ở Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao

Khẳng định ưu thế

Ngoài lợi thế là tỉnh đồng bằng ven biển, nằm trong tuyến hành lang kinh tế ven biển kết nối với các khu kinh tế của vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong những năm qua Thái Bình còn được biết đến bởi là địa phương có địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, đường bờ biển dài 54km, diện tích đất nông nghiệp hơn 100.000ha và có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao với số người trong độ tuổi lao động trên 1 triệu người, trong đó hơn 50% lao động qua đào tạo. Không những thế, thời gian qua Thái Bình còn được biết đến bởi là địa phương luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từ đó đem lại diện mạo mới cho đô thị và các vùng quê nông thôn.

Từ nguồn ngân sách nhà nước, kinh phí xã hội hóa và nguồn vốn khác với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 235.500 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, tăng bình quân 7,8%/năm, trong đó tỷ trọng vốn ngân sách nhà nước giảm dần, chiếm khoảng 9%, Thái Bình đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng nông thôn mới, hạ tầng giao thông kết nối và các trục giao thông đầu mối kết nối các đô thị trong tỉnh với trung tâm kinh tế vùng và tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên. Bên cạnh đó, Thái Bình còn chủ động triển khai các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm giảm gánh nặng cho đầu tư công, từ đó góp phần tạo ra hệ thống hạ tầng kết cấu đồng bộ, hiện đại rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh.

Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện 12 dự án đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư gần 16.960 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 10.206 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư và vốn nhà đầu tư huy động gần 6.754 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng Thái Bình vẫn luôn coi trọng công tác giải ngân vốn đầu tư công nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, từ đó thúc đẩy thu hút đầu tư vào tỉnh.

Một trong những sự kiện có ý nghĩa quan trọng đem lại lợi thế cho tỉnh trong công tác thu hút đầu tư đó là Khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập và phê duyệt quy hoạch chung với diện tích hơn 30.583ha, trong đó dành quỹ đất tối đa để quy hoạch phát triển công nghiệp, tạo vị thế và điều kiện mới cho tỉnh khai thác tiềm năng, lợi thế ven biển để phát triển mạnh mẽ công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị hướng biển trong những năm tới.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ việc xây dựng các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết; xúc tiến triển khai xây dựng một số công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng theo quy hoạch; từ đó thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký nghiên cứu, đề xuất quy hoạch dự án và tham gia đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong Khu kinh tế Thái Bình.

Đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương tài trợ sản phẩm quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 cho 26 khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình. Cùng với Khu kinh tế, Thái Bình còn tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khu công nghiệp chuyên nông nghiệp Thaco - Thái Bình tại huyện Quỳnh Phụ. Theo báo cáo của nhà đầu tư, dự kiến đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành các hạng mục hạ tầng khu công nghiệp gồm: san nền, đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung.

“Mở cửa” trong thu hút đầu tư

Không chỉ khẳng định ưu thế của địa phương, thời gian qua, Thái Bình còn kịp thời ban hành và triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, bảo đảm theo quy định của Chính phủ và tình hình thực tế của địa phương. Điển hình là các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực như: hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; đầu tư quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn; lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ...

Đặc biệt, để khuyến khích đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh còn ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 như: chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào, hỗ trợ san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hỗ trợ đào tạo lao động và hỗ trợ thủ tục hành chính.

Công tác cải cách hành chính cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Tỉnh đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động từ ngày 1/10/2019, thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” bao gồm: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu hồ sơ và trả kết quả. Đến nay, 100% sở, ngành của tỉnh với 100% số thủ tục hành chính đã được triển khai thực hiện thủ tục “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Các sở, ngành, địa phương cũng thường xuyên rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định hiện hành, tạo thuận lợi và giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó, tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với sở, ngành tổ chức các hội nghị đối thoại trên cơ sở đó tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh; đồng thời, đôn đốc chủ đầu tư các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh khẩn trương hoàn thành việc xây dựng hạ tầng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư thứ cấp đến tìm hiểu, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố hàng năm, Thái Bình đã có 5 năm liên tiếp tăng điểm chỉ số PCI từ năm 2015 - 2019 (năm 2019 tăng 7,74 điểm và 10 bậc so với năm 2015). Đó chính là minh chứng cho những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, từ đó đưa tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư.

Theo Báo Thái Bình