Trưởng ban Pháp chế VCCI: Bộ Công Thương nên tuyên bố rõ thời điểm Thông tư 20 hết hiệu lực
Sau khi bảo vệ Thông tư 20 với việc khẳng định đó chỉ là thủ tục hành chính và ví nhập ô tô như nhập hoa quả, Bộ Công Thương cho biết chỉ bãi bỏ khi Bộ Giao thông Vận tải ban hành thông tư mới và không xác định thời điểm chính xác.
Đó là quan điểm được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra khi trao đổi với chúng tôi trước những phản hồi và quan điểm chính thức của Bộ Công Thương về Thông tư 20/2011 (quy định doanh nghiệp phải bổ sung thêm hai loại giấy tờ mới được thông quan ôtô vào Việt Nam).
Thưa ông, trong báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng mặc dù nói chỉ bãi bỏ Thông tư 20 khi Bộ Giao thông vận tải ban hành thông tư mới có nội dung tương đương. Tuy nhiên, bài phát biểu của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thì khẳng định rõ ràng rằng sẽ bỏ Thông tư 20. Vậy theo ông có mâu thuẫn trong cách hiểu ở đây hay không?
Tôi cho rằng Bộ Công thương cần dứt khoát khẳng định về việc bãi bỏ thông tư 20. Việc báo cáo của Bộ Công thương đưa ra đề nghị rằng Bộ Giao thông Vận tải cần ban hành thông tư mới có nội dung tương tự Thông tư 20 làm các doanh nghiệp cực kỳ lo ngại.
Một trong những hiệu ứng rõ ràng trên thực tiễn của Thông tư 20 đã tạo ra sự độc quyền, sự thống lĩnh thị trường cho các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn nước ngoài, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và nền kinh tế thì tại sao lại tiếp tục duy trì?
Tôi hy vọng rằng đó chỉ là cách diễn đạt về ý muốn duy trì sự kiểm soát mức độ hợp lý nào đó về dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, tăng cường trách nhiệm của nhà nhập khẩu.
Bộ Công Thương khẳng định Thông tư 20 không phải là điều kiện về đầu tư kinh doanh mà chỉ là thủ tục hành chính. Ông có quan điểm thế nào về vấn đề này?
Thông tư 20 là một loại điều kiện đầu tư, kinh doanh chứ không chỉ là thủ tục hành chính vì chủ thể bị áp đặt điều kiện là doanh nghiệp, là thương nhân chứ không phải là hàng hoá. Chỉ có một số doanh nghiệp đáp ứng điều kiện (là có giấy uỷ quyền chính hãng) thì được kinh doanh nhập khẩu ô tô còn chủ thể khác thì không.
Điều kiện có giấy uỷ quyền chính hãng này tác động trực tiếp tới thương quyền, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, khác với thủ tục về an toàn vệ sinh thực phẩm hay thủ tục về xác nhận xuất xứ.
Bản chất có hay không giấy chứng nhận uỷ quyền chính hãng sẽ quyết định hành vi đầu tư hay kinh doanh nhập khẩu ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống của doanh nghiệp. Khác với các điều kiện đầu tư kinh doanh khác, có chăng ở đây việc chứng minh quyền kinh doanh với doanh nghiệp được Nhà nước trao cho hãng sản xuất ô tô.
Lưu ý rằng có nhiều loại điều kiện đầu tư, kinh doanh khác nhau, loại doanh nghiệp phải đáp ứng trước khi cấp phép hoặc loại phải đáp ứng sau khi đã đi vào hoạt động. Giấy uỷ quyền chính hãng này là loại doanh nghiệp phải đáp ứng sau.
Nhiều quan điểm cho rằng Bộ Công Thương chấp nhận nhượng bộ để bỏ Thông tư 20 nhưng lại đẩy sang Bộ Giao thông Vận tải để kiểm tra, kiểm soát việc bảo hành, bảo dưỡng. Liệu đây có phải là sự đá bóng trách nhiệm không thưa ông? Và nếu đặt ra thêm yêu cầu này, liệu người tiêu dùng có thực sự được đảm bảo quyền lợi?
Với một số câu chữ trong báo cáo của Bộ Công Thương thì đúng là nhiều người sẽ có suy nghĩ như vậy. Trách nhiệm bảo hành đương nhiên là trách nhiệm quan trọng của nhà sản xuất hay nhà nhập khẩu.
Tôi cho rằng người tiêu dùng hoàn toàn đủ khôn ngoan để tự lựa chọn cho mình ở đâu có dịch vụ tốt, nhất là với tài sản lớn như xe ô tô.
Ngay cả lĩnh vực bảo hành, bảo dưỡng nếu chỉ dành thị trường cho các hãng lớn thì quyền lợi của người tiêu dùng cũng không được đảm bảo.
Tôi hy vọng rằng Bộ Giao thông Vận tải sẽ tạo lập được một môi trường kinh doanh bình đẳng, không đặt ra tiêu chuẩn quá cao mà thuận lợi cho hãng lớn, không phân biệt đối xử về uỷ quyền chính hãngđể tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng trong nhập khẩu ô tô.
Bộ Công Thương chấp nhận bỏ Thông tư 20 nhưng lại đưa ra điều kiện phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động bảo hành bảo dưỡng. Với yêu cầu này thì nhiều DN gara ô tô lo đóng cửa và họ cho rằng đây là rào cản khiến cho họ khó kinh doanh. Theo ông đây có phải là một sự biến tướng của điều kiện kinh doanh?
Về tiêu chuẩn bảo hành thì hiện nay Việt Nam đã có tương đối đủ chính sách, quy định để bảo vệ người tiêu dùng kể cả quy định về triệu hồi xe. Nên tăng cường vai trò và hiệu quả của hệ thống đăng kiểm nhà nước hiện có lên, chứ không phải dùng hệ thống bảo hành của hãng để thay thế việc kiểm soát này được.
Và cũng cần đánh giá thực tế hiệu quả và chất lượng của hệ thống bảo hành chính hãng hiện nay. Rất nhiều người sử dụng cho biết là họ thực tế chỉ sử dụng bảo hành chính hãng trong thời gian bảo hành miễn phí chứ người sử dụng ô tô vẫn có xu hướng ra trạm bảo hành bên ngoài của tư nhân vì chất lượng dịch vụ tốt và chi phí thấp hơn nhiều lần.
Từ kinh nghiệm theo dõi với vấn đề này, theo ông hướng giải quyết cho Thông tư 20 như thế nào là phù hợp nhất, đảm bảo quyền kinh doanh cũng như lợi ích của người tiêu dùng?
Tôi cho rằng Bộ Công Thương nên tuyên bố rõ ràng thời điểm cụ thể Thông tư 20 sẽ hết hiệu lực. Từ nay đến thời điểm cụ thể đó thì việc ban hành văn bản đủ điều kiện điều chỉnh về bảo hành, bảo dưỡng thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải. Đây là cách tiếp cận minh bạch và rạch ròi.
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đang kỳ vọng vào những chuyển động mạnh mẽ của Chính phủ mới, vào Nghị quyết 35, vào tư duy chính quyền kiến tạo của Thủ tướng Chính phủ nêu. Tôi cho rằng Thông tư 20 chính là câu trả lời từ thực tiễn. Và tôi tin Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải sẽ hành động theo tinh thần này.
Theo Tri Thức Trẻ