The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

TS Võ Trí Thành: Cần tính đường lui cho chính sách

Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), Việt Nam hiện nay có 4 ràng buộc lớn cho mục tiêu tăng trưởng nhanh.

Ngày 19.9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức Hội thảo “Đảm bảo tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách trong hàng loạt các lĩnh vực để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 và tạo đà cho các năm sau. Tuy nhiên, nguồn lực của Chính phủ hiện nay hạn chế nên sẽ quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp để mạnh dạn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh và ưu tiên hơn nữa cho khu vực tư nhân; thúc đẩy những lĩnh vực kinh tế có nhiều tiềm năng phát triển mà hiện đang bị cản trở bởi môi trường chính sách không thuận lợi.

Theo TS Võ Trí Thành (nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), Việt Nam hiện nay có 4 ràng buộc lớn cho mục tiêu tăng trưởng nhanh.

Đó là đất nước muốn tăng trưởng trong ngắn hạn, trung hạn nhưng bối cảnh lại là ngân sách khó khăn; việc cải cách chính trị, bộ máy nhà nước đang vừa là áp lực, vừa là động lực của đất nước; có nhiều mâu thuẫn ngắn hạn giữa tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế; tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô....

Ông Thành cho rằng nếu muốn tăng trưởng trong ngắn hạn và trung hạn thì cần “biết chọn” và có “nghệ thuật”.

Vị này nêu ra, “nghệ thuật” gồm 2 điểm. Một là phải đặt trọng tâm vào tính dự báo trong kinh tế bởi đây là cách thức để biết được nên đi theo hướng nào là tích cực. “Tính dự báo của chúng ta hiện nay rất yếu”.

Hai là, theo ông Thành phải tính đến đoạn rút lui. “Cái chúng ta đang làm rút lui rất khó. Ví dụ về tín dụng, bây giờ muốn tăng trưởng lên 21 - 22%. Đồng ý rằng có thể một năm chưa phải là vấn đề lớn với kinh tế vĩ mô, tác động trễ này nọ có thể chưa lớn lắm. Nhưng tôi hỏi các anh, năm tới chả nhẽ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25%? 22% thì được nhưng lùi xuống 17% là khó rồi”, ông Thành nói.

“Tương tự, anh đặt chính sách lãi suất tiền gửi 0% với USD, bây giờ muốn tăng là nhiều vấn đề phức tạp, rất nhiều cảm xúc, kỳ vọng khác nhau. Cho nên chúng ta có thể lên xuống một chút trong điều hành, nhưng phải nhớ tính dự báo được và tính sẵn sàng để rút lui”, ông Thành phân tích.

Theo ông Thành, Việt Nam hiện nay có 2 cửa để tăng trưởng trong ngắn hạn mà vẫn phù hợp với trung - dài hạn. Cửa thứ nhất là hội nhập. “Thế giới này rất rộng mở. Việt Nam cũng chơi rất mạnh. Việt Nam tận dụng không chỉ là thị trường, nhà đầu tư mà còn là vốn, công nghệ, chia sẻ rủi ro. May mắn là trong năm nay và năm tới, trừ các rủi ro về địa chính trị, tài chính thì kinh tế thế giới đang tốt lên”.

Tuy nhiên, ông Thành nhấn mạnh Việt Nam phải tận dụng được, đấy không chỉ dừng lại ở thị trường, mà còn là công nghệ, cách học, cách chia sẻ rủi ro...

Còn cửa thứ hai, theo ông Thành chính là kinh doanh. “Việt Nam hiện nay đang nói rất nhiều về việc gia nhập thị trường - thông qua cải cách điều kiện kinh doanh. Điều này là quan trọng, nhưng chưa đủ, bởi chu kỳ kinh doanh có 4 yếu tố: gia nhập thị trường, hợp đồng kinh doanh, cạnh tranh và rút lui khỏi thị trường. Chúng ta vẫn đang sửa những cái đã có. Chúng ta phải chuẩn bị cho rất nhiều cái sẽ có nữa. Nghiên cứu học hỏi rất nhiều cho cái này. Chuẩn bị cho cái mới thay vì chỉ sửa cái cũ”, ông Thành nhấn mạnh.

Chuyên gia này cho rằng cần phải tận dụng được nguồn lực tư nhân và khu vực FDI. Ông dẫn ra nguồn lực của Việt Nam còn rất nhiều khi mỗi năm khoản tiền tiết kiệm của dân gửi tại các tổ chức tài chính chiếm 28 - 30% GDP. Trong khi đó, ở góc độ đầu tư quốc gia, mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư bình quân khoảng 32% GDP. Bên cạnh đó, nguồn tiền ODA, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện chiếm khoảng 1/4 tổng đầu tư của quốc gia, tương đương 6 - 8% GDP. Cộng khoản đầu tư và vốn ODA, FDI mỗi năm thì con số này vượt khoảng 3 - 4 điểm phần trăm số người Việt tiết kiệm mà không dùng vào đầu tư kinh doanh.

"So sánh vậy để thấy nguồn lực tích trữ trong dân mà không đưa vào sản xuất, kinh doanh rất lớn. Tiền này có thể được đưa ra nước ngoài, mua vàng, đôla tích trữ... Hãy khai phá nó, góp vào tăng trưởng kinh tế", ông Thành nói.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nêu quan điểm, trong các giải pháp tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng quy định là giải pháp cần thiết. Theo khảo sát của VCCI với 2.000 doanh nghiệp FDI, thì Việt Nam có các lợi thế về lao động, nhất quán trong chính sách thu hút đầu tư nhà nước...

Hoài Phong

Một thế giới