The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

TT-Huế: ‘Nhảy vọt’ 28 bậc trong xếp hạng PCI, lên vị trí thứ 2

Thừa Thiên-Huế, từ vị trí thứ 30 đã vươn lên đứng thứ hai trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 vừa được công bố, phần nào đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền cấp tỉnh
Phóng viên đã có dịp phỏng vấn ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế về vấn đề này.
- Năm 2013, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã vươn lên vị trí thứ hai trên 63 tỉnh thành trong cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng 28 bậc trên bậc xếp hạng. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm của Thừa Thiên-Huế trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI?
* Ông Nguyễn Văn Cao: Về chỉ số PCI, nó đánh giá về năng lực cạnh tranh của cấp tỉnh và đặc biệt là sự hài lòng của doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp đối với các cấp chính quyền. Trước kia, chúng tôi đang đứng thứ 30 nhưng vươn lên đứng thứ hai của cả nước về chí số cạnh tranh PCI, điều này đã khẳng định sự nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền, các cơ quan công chức của hệ thống chính trị.
Để đạt được kết quả đó, thứ nhất chúng tôi đã liên tục ban hành các văn bản các vấn đề chính sách, về các quy định về quản lý Nhà nước liên quan đến doanh nghiệp, các thể chế bằng pháp lý để doanh nghiệp tiếp cận được tất cả các thông tin, nội dung mà doanh nghiệp cần.
Thứ hai, chúng tôi thực hiện khá đồng bộ về ISO cho các cơ quan quản lý cấp sở, các huyện cũng đã tiến hành quản lý theo ISO. Thứ ba là chúng tôi đã tăng cường cải cách hành chính với mô hình một cửa gắn với hoàn chỉnh tất cả các bộ thủ tục hành chính và công khai hóa trên tất cả các cổng thông tin điện tử, bằng các phương tiện.
Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đầu tư xây dựng và áp dụng 5 phầm mềm dùng chung cho cả hệ thống nên việc lưu thông thông tin đến rất nhanh với các doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp. Các dịch vụ hành chính công đều hướng tới việc tạo điều kiện cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận thông tin, đặc biệt là thái độ phục vụ của công chức, công vụ.
Tỉnh đã ban hành Chỉ thị 51 để chấn chỉnh hoạt động này, bên cạnh tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh lại lại trách nhiệm công vụ của công chức, thái độ khi thực thi công vụ. Đầu năm 2013, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn tỉnh chỉ đạt 27% nhưng đến cuối năm, tổng số cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã đạt trên 95,7 %. Chính điều này đã dẫn tới, chỉ trong một thời gian ngắn, chỉ số tiếp cận đất đai đã được nâng lên một cách quyết liệt.
- Ông có đề cập đến việc nâng cao chỉ số PCI cốt lõi để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, vậy cụ thể vấn đề này đã được thực hiện như thế nào, thưa ông? - Ông Nguyễn Văn Cao: Tỉnh Thừa Thiên-Huế luôn luôn xác định doanh nghiệp có tầm quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế của địa phương, vừa giải quyết việc làm, vừa nộp ngân sách, lại vừa đóng góp về tăng trưởng kinh tế nên chúng tôi rất quan tâm đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Tỉnh thường xuyên nghiên cứu để bổ sung những chính sách ưu đãi, đầu tư, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Lãnh đạo tỉnh luôn luôn tiếp cận, sẳn sàng nghe doanh nghiệp, gặp doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải. Tổ chức làm việc với các ngành liên quan đến doanh nghiệp như ngành thuế, hải quan, điện, nước… để làm sao các yếu tố tập trung doanh nghiệp tốt hơn.
Đơn cử, tỉnh đã tổ chức đối thoại trực tuyến 2 tháng 1 lần theo từng chủ đề để giải đáp các vướng mắc cho doanh nghiệp, đó chính là yếu tố làm cho sự đánh giá mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đối với các hoạt động của các cấp chính quyền được tăng lên.
Tỉnh cũng tăng cường kiểm tra chấn chỉnh thái độ của công chức, viên chức phải đến với doanh nghiệp phải biết doanh nghiệp cần gì và vấn đề gì không giải quyết được phải báo cáo ngay để chúng tôi xử lý và qua những chính sách ưu đãi đầu tư, những hỗ trợ trực tiếp khi doanh nghiệp khó khăn đã tạo được chuyển biến để doanh nghiệp tiếp xúc rất nhiều thông tin về đất đai, đầu tư, định hướng về phát triển của tỉnh đã tạo cho doanh nghiệp nhiều cơ hội phát triển.
Tôi xin khẳng định, chỉ số PCI thể hiện sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp với những gì mà Nhà nước đã cam kết và thực hiện được. Chỉ số cao thì thể hiện việc cam kết được và thực hiện cam kết đó rất tốt.
Tuy nhiên giữa cam kết và thực hiện được luôn có khoảng cách rất lớn. Vì việc cam kết thì rất dễ, bản thân các cấp chính quyền, các đồng chí lãnh đạo, công chức, viên chức cũng muốn cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, sự phát triển của kinh tế xã hội tuy nhiên việc tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Đó là những tồn tại mà tỉnh đang tìm cách khắc phục trong năm nay.
- Theo ông việc nâng cao chỉ số PCI để thu hút phát triển, vấn đề này có tầm quan trọng như thế nào trong quá trình thực hiện mục tiêu đưa Thừa Thiên-Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 của Bộ chính trị?
- Ông Nguyễn Văn Cao: Thực chất chỉ số PCI cộng với những điều kiện thuận lợi thì đây là điều kiện hấp dẫn đối với đầu tư. PCI tốt cộng với điều kiện địa hình tự nhiên, địa lý thuận tiện sẽ là yếu tố thu hút đầu tư tốt nhất. Do đó PCI tốt là một điều kiện để thu hút đầu tư, và điều này sẽ góp phần nhiều cho phát triển kinh tế xã hội, mà kinh tế xã hội phát triển sẽ là động lực quan trọng trong tiến trình xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế thành phố trực thuộc trung ương.
Có thể nói rằng, qua 5 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, Thừa Thiên-Huế đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống đô thị phát triển nhanh, đúng theo quy hoạch; hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Kinh tế giữ được mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người đến năm 2013 đạt 1.700 USD. Thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân 12,1%/năm, đạt 4.700 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.
Để sớm đưa Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, một trong những mục tiêu mà Thừa Thiên-Huế hướng đến là "Thành phố di sản, văn hóa, cảnh quan, sinh thái và thân thiện với môi trường."
Trong định hướng quy hoạch, thành phố Huế hiện nay sẽ là đô thị trung tâm được chia làm 3 hoặc 4 quận, với 2 thị xã là Hương Thủy và Hương Trà, cùng 6 huyện gồm: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, Nam Đông, A Lưới. Diện mạo đô thị Thừa Thiên-Huế trực thuộc Trung ương còn có chùm đô thị, khu du lịch, cảng biển, sân bay, làng đại học, bệnh viện chất lượng cao...
Tất cả đảm bảo tốt nhất việc phát triển và bảo tồn các giá trị di sản vật thể và phi vật thể, các giá trị cảnh quan thiên nhiên, thể hiện tính chất đặc thù của đô thị Huế.
Bên cạnh nội lực, Thừa Thiên-Huế cũng tăng cường kêu gọi vốn đầu tư vào các dự án lớn, có quy mô quốc tế đến đầu tư tại địa phương; ưu tiên nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, tập trung xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực để bảo tồn di sản. Chính việc nâng cao chỉ số PCI để thu hút đầu tư phát triển có tầm quan trọng rất lớn trong quá trình thực hiện mục tiêu đưa Thừa Thiên-Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 của Bộ chính trị?
- Xin cảm ơn ông!