Từ chỉ số PCI nghĩ về “Thương hiệu chính quyền”
Sau nhiều nổ lực, năm 2012 Đồng Tháp chiếm vị trí số 1 cả nước về chỉ số Năng lực cạnh tranh và từ đó cho đến nay Đồng Tháp luôn đứng trong Top đầu cả nước về chỉ số này.
Một niềm vui lan toả, ấm áp vì một "Thương hiệu Đồng Tháp - PCI" dần được khẳng định. Đây chắc chắn không phải là điều ngẫu nhiên mà là thành quả của cả hệ thống luôn kiên trì, đồng thuận, đồng lòng hướng tới tinh thần đồng hành cùng xã hội vì sự thịnh vượng chung của doanh nghiệp và địa phương. Nhân sự kiện vui này, chúng ta hãy thử bàn về cái gọi là "Thương hiệu" và "Thương hiệu chính quyền".
Khái niệm "thương hiệu" mới chỉ biết đến cách đây không lâu khi đất nước đi vào nền kinh tế thị trường, bắt đầu từ "thương hiệu sản phẩm" rồi đến "thương hiệu doanh nghiệp". Và, cũng như những ưu việt khác trong quản trị doanh nghiệp, người ta đưa những khái niệm đó vào nền hành chính công, từ đây bắt đầu có "thương hiệu quốc gia", "thương hiệu địa phương" và "thương hiệu chính quyền".
Có nhiều định nghĩa về "thương hiệu", nhưng có một cách diễn giải hết sức dễ thương, gần gũi như vầy: "Thương hiệu là cái hiệu để người ta thương", và mỗi khi nhớ đến nó, nhắc đến nó, đều gợi cho mọi người nghĩ về những ấn tượng tốt đẹp.
Như vậy, "Thương hiệu" chính là niềm tin của khách hàng vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ mình được cung cấp. Trên thế giới, người ta đã vận hành nhà nước theo mô hình "Nhà nước doanh nghiệp", xem nhà nước như một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Nói một cách dễ hiểu hơn, nhà nước là người "bán dịch vụ công" và xã hội là khách hàng "mua dịch vụ công". Và, trong mối quan hệ như vậy, "người bán" phải nghĩ như thế nào để tối ưu hoá tiện ích cho khách hàng, làm hài lòng khách hàng với những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao nhất, chi phí thấp nhất; "người mua" phải luôn có niềm tin rằng, "người bán" sẽ giao cho mình đúng món hàng, đúng thời gian, đúng giá với một lời cám ơn, một nụ cười thân thiện như lời cam kết.
Trong các dịch vụ của chính quyền, quan trọng nhất là đất đai, nhà ở, hạ tầng, công ăn việc làm, học hành, chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm, an ninh trật tự... Ngoài ra, một nhiệm vụ "mềm" nhưng cần thiết của chính quyền là tạo niềm tin vào tương lai cho khách hàng bằng sự minh bạch, thân thiện, trung thực và sáng tạo. Một khi, niềm tin của khách hàng - xã hội được lan toả trong địa phương thì cũng dần lan toả ra ngoài địa giới hành chính của địa phương đó. Khi có niềm tin về một môi trường thân thiện, minh bạch, người dân sẽ chính là nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn tham gia sản xuất kinh doanh ở tất cả những lĩnh vực có cơ hội, và khi đó, chính quyền đóng vai trò kiến tạo ra môi trường để xã hội vận động. Hơn thế nữa, khi niềm tin được kiểm chứng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, người dân và cộng đồng doanh nghiệp địa phương sẽ trở thành nhà vận động đầu tư có sức mạnh đôi khi còn cao hơn các chính sách kêu gọi đầu tư của chính quyền.
Ngoài "chỉ thị" chính quyền các địa phương tổ chức ngày "Thứ sáu nghe dân nói" thì tại cơ quan, tất cả các bộ phải thực hiện phương châm 6 biết: Biết chào, biết cười, biết lắng nghe, biết hướng dẫn, biết cám ơn và biết xin lỗi.
Như vậy, "Thương hiệu Đồng Tháp - PCI" không chỉ mang tính chất động viên cổ vũ của cộng đồng doanh nghiệp đối với chất lượng hoạt động của chính quyền, mà sâu xa hơn chúng ta đã xây dựng được niềm tin trong lòng xã hội. Một khi niềm tin đó biến thành "hình ảnh địa phương, thương hiệu địa phương", sẽ trở thành sức mạnh tổng hợp nếu được cộng hưởng thêm những tác động đồng bộ khác.
Tất nhiên là sẽ còn rất nhiều việc phải làm, không có gì là hoàn hảo, và nhiệm vụ của chúng ta là phải phấn đấu hướng đến tiệm cận sự hoàn hảo mà thôi. Ngay trong hệ thống, chỗ này chỗ kia cũng còn không ít trắc trở, guồng máy vận hành lúc này lúc khác chưa được suôn sẻ. Thế giới đã và đang đi vào vòng xoáy của sự cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Nước đã đến chân rồi, hơn lúc nào hết, chính quyền phải mau chóng đổi mới chất lượng điều hành, gấp rút cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp. Phải có những cách làm sáng tạo, mạnh mẽ vì sự thịnh vượng cho địa phương. Không thể tự mãn, tự bằng lòng với những thành tích trong ngắn hạn. Chúng ta đã đi đúng hướng, đã tạo ra một niềm tin trong xã hội, phải kiên trì đeo đuổi sứ mạng đó!
Phát triển hay tụt hậu phụ thuộc vào thái độ và tốc độ thay đổi của những người lãnh đạo và đội ngũ cán bộ công chức! "Bỏ tự ti, giảm tự tôn, tăng tự tin, biết tự hào" luôn là phương châm hành động của mỗi chúng ta.
Nguyễn Hành