Tư duy nhiệm kỳ, rào cản thủ tục khiến doanh nghiệp mất sức cạnh tranh
Hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự gõ cửa, bằng chứng là ngày càng nhiều các thương hiệu nổi tiếng thế giới, các tập đoàn kinh tế đa quốc gia như Samsung, LG, Intel, Microsoft, Mitsubishi Heavy Industries hay General Electric... cùng các luồng đầu tư nước ngoài đang "ồ ạt" kéo đến Việt Nam.
Nền kinh tế sẽ hấp thụ, lớn mạnh hay có nguy cơ "bội thực" là điều khiến các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước đang lo lắng và trăn trở.
Mặc dù Chính phủ đã và đang nỗ lực triển khai nhiều chính sách quan trọng về cải cách thể chế, đột phá cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh... nhưng kết quả thu được vẫn còn khá xa so với mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
Qua thực tiễn khảo sát tại nhiều địa phương, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định điều đầu tiên và quan trọng nhất là cần một tư duy đổi mới ở chính quyền các địa phương. Mặc dù chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố thường niên cho thấy mức độ cải thiện đáng kể về niềm tin và mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với bộ máy công quyền song điều đó không nói lên rằng tình trạng quan liêu ở các cấp ngành đã thay đổi.
Thậm chí, ở nhiều địa phương, tư duy nhiệm kỳ vẫn còn ảnh hưởng và tác động nặng nề, khiến cho nhận thức về yêu cầu đổi mới ở cấp lãnh đạo tỉnh, thành phố còn rất hạn chế. Đó chính là rào cản trong việc thực hiện mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, ông Tuấn nhấn mạnh.
Thành phố Đà Nẵng, địa phương luôn dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong nhiều năm vẫn chưa thu phục hoàn toàn sự hài lòng của doanh nghiệp về môi trường đầu tư, về phương thức quản lý, về thực thi cải cách thủ tục hành chính của đội ngũ cán bộ công chức.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng, chia sẻ hiện nay các doanh nghiệp không chỉ không có nhu cầu đầu tư để mở rộng sản xuất, mà thực sự họ không còn nhiều niềm tin vào tương lai phát triển. Đó cũng chính là một phần lý do vì sao người ta không mấy quan tâm tới tình hình hội nhập với các hiệp định như Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp tới.
Chưa kể tới, tính thiếu ổn định trong việc ban hành các chính sách, các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, cũng khiến doanh nghiệp không thể kiểm soát được chi phí. Điều đó không chỉ làm mất tính cạnh tranh của doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp, ông Tuấn nhấn mạnh.
Trường hợp của Công ty cổ phần đầu tư Đà Nẵng-Miền Trung (DMT) là một ví dụ điển hình. Ông Lê Minh Hải, Tổng giám đốc DMT bức xúc cho biết xu hướng chung là cải cách thủ tục hành chính, vậy mà không hiểu vì lẽ gì nhiều thủ tục về đầu tư lại được ban hành thêm, dẫn tới tình trạng chồng chéo, phức tạp, khiến doanh nghiệp mất quá nhiều thời gian khi thực hiện.
Ông Hải cũng nêu cụ thể: “Doanh nghiệp đã có sản phẩm, có giá trị đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng và được thành phố thẩm định, nhưng lại không được phép sử dụng để bảo lãnh hợp đồng cho dự án, mà cứ phải qua “cửa” của ngân hàng, khiến tốn thêm nhiều chi phí vô lý." Lý giải của Sở Kế hoạch và Đầu tư mà ông Hải nhận được chỉ đơn giản là chưa có tiền lệ như vậy, vì quy định chung là chỉ ngân hàng mới được phát chứng thư bảo lãnh hợp đồng cho doanh nghiệp trong các dự án đầu tư.
Những phản ánh của doanh nghiệp từ thực tiễn địa phương cho thấy những bất cập còn tồn tại, những rào cản về chính sách là nguyên do dẫn tới tính cạnh tranh và sức chiến đấu của doanh nghiệp ngày càng giảm sút.
Tại Diễn đàn tổng kết 30 năm đổi mới giai đoạn 1986-2015 tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều chuyên gia kinh tế và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đặt ra vấn đề đổi mới và kêu gọi cải cách thể chế là việc phải làm ngay, không thể trì hoãn. Đây sẽ là bước đầu tiên cần làm để Việt Nam chuẩn bị tâm thế sẵn sàng mở cửa đón "sóng" hội nhập.
Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI từng nhiều lần nhấn mạnh: “Hiệp định TPP cùng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là trận tuyến của các doanh nghiệp, là chiến trường của các doanh nhân. Sự thành bại của một nền kinh tế trong hội nhập được quyết định bởi sức mạnh của đội ngũ doanh nhân. Doanh nhân là người lính xung trận. Nhà nước là hậu phương vững chắc.”
Để có thể thực sự là hậu phương vững chắc, là nơi để cộng đồng doanh nghiệp gửi gắm niềm tin, Nhà nước cần đẩy mạnh cải cách thể chế bằng những hành động thiết thực và cụ thể, để tạo ra một môi trường khuyến khích cạnh tranh, sáng tạo và công bằng; bằng việc xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp luật cũng như hệ thống các chính sách liên quan tới doanh nghiệp theo hướng tinh, giản, chất lượng và hiệu quả; bằng việc thực hiện các hành vi công vụ ở mọi cấp quản lý trên tinh thần tận tụy..., ông Lộc phân tích.
Với tư duy của người đại diện hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương, ông Đỗ Anh Tuấn nhận định tinh thần đổi mới phải thấm đẫm và cũng sẽ là lựa chọn duy nhất giúp doanh nghiệp Việt tự lực, tự cường đối mặt với thách thức và vươn lên trong hội nhập. Rõ hơn là doanh nghiệp cần đổi mới về khoa học công nghệ, đổi mới về phương thức quản trị điều hành, đổi mới và không ngừng nâng cao trình độ đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực.
Hai từ "đổi mới" tưởng chừng đơn giản song không dễ thực hiện nếu không có sự chung tay vào cuộc và sự thay đổi tư duy từ mỗi cá nhân, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị./.
Theo Vietnamplus ngày 24/11/2015