The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Từ PCI nhìn nhận về môi trường kinh doanh tỉnh Thanh Hóa

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với 10 tiêu chí thành phần hiện được coi là công cụ hữu ích để chính quyền các địa phương tham chiếu nhằm đánh giá và điều chỉnh các hoạt động điều hành. Qua 10 năm chính thức công bố chỉ số PCI, Thanh Hoá từ một tỉnh thường đứng nửa cuối Bảng xếp hạng đã vươn lên mạnh mẽ trong 3 năm gần đây.Nhưng trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh tại các địa phương nói chung và Thanh Hóa nói riêng vẫn còn một số “điểm nghẽn” cần tháo gỡ. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum có cuộc phỏng vấn TS Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch VCCI. Ngô Khuyến thực hiện.

Ông nhìn nhận thế nào về bước tiến đáng kể của tỉnh Thanh Hoá trong Bảng xếp hạng PCI những năm gần đây, qua đó đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn?

Còn nhớ năm 2006, Thanh Hoá với 45.30 điểm xếp 55/63 tỉnh, TP. Dù lúc đó tỉnh chưa quan tâm nhiều đến cuộc khảo sát này của VCCI nhưng kết quả đó rõ ràng không mong đợi và làm hài lòng những người điều hành chính quyền địa phương. Quyết tâm đổi mới chưa thực sự đủ lớn và thiếu những đột phá trong cải cách nên từ năm 2007-2011, điểm số và thứ hạng tuy có cải thiện hơn song chưa nhiều, thường xếp ở nhóm Khá. Thế nhưng từ năm 2011, nhất là trong 3 năm gần đây, Thanh Hoá đã vươn lên và duy trì thứ hạng cao trong Bảng xếp hạng, thuộc nhóm điều hành Tốt: Năm 2013 với 61,59 điểm xếp thứ 8; năm 2014 với 60,33 điểm xếp 12 và năm 2015 đã trở lại TOP 10 với 60,74 điểm xếp 10/63 tỉnh TP.

Chỉ nhìn vào những con số trên chúng ta đã phần nào cho thấy sự nỗ lực đáng kể của trong việc nâng cao năng lực điều hành chính quyền của tỉnh. Nhưng nếu nhìn rộng hơn: Với một tỉnh diện tích rộng thứ 5, dân số đông thứ 3 toàn quốc, điểm xuất phát nền kinh tế thấp, trình độ phát triển không đều (7/62 huyện nghèo nhất cả nước), năng lực quản lý điều hành có nhiều chênh lệch, thậm chí số lượng cán bộ, công chức bộ máy chính quyền cũng lớn hơn rất nhiều,…, chúng ta càng thấy sự cố gắng đó. Một quyết tâm chính trị to lớn đi kèm với cách làm căn cơ cùng bước đi vững chắc và liên tục.

Thực tế cho thấy trong những qua tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như: Điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch theo hướng đồng bộ; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm giải phóng nguồn lực, thu hút đầu tư,… nhất là việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư và sản xuất - kinh doanh. Những cố gắng đó đã được ghi nhận: Cùng với chỉ số PCI, chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh cũng thuộc 25 tỉnh, TP đứng đầu cả nước. Đặc biệt các kết quả: Thu hút được 705 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 32 dự án FDI) với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 132.000 tỷ đồng và 2,57 tỷ USD; huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015 năm đạt 327 nghìn tỷ đồng, gấp 3,9 lần giai đoạn 2006 - 2010, nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước có mặt trên địa bàn,…cho môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng cải thiện mạnh mẽ.

Song trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh cần tập trung cung cấp đầy đủ, chính xác, công khai, minh bạch, kịp thời cập nhật thông tin cho các nhà đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, quản lý điều hành của lãnh đạo sở, ngành, đơn vị… đặc biệt, cần cải thiện khả năng tiếp cận đất đai cho các doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thường xuyên đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ.

Thanh Hoá là một trong những địa phương sớm cùng với VCCI ký Cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp vào ngày 01/6/0216, điều đó mở ra những triển vọng nào đối với môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn?

Ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Đây là Nghị quyết triển khai những kiến nghị của doanh nghiệp và đề xuất của các bộ, ngành tại cuộc gặp Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 29/4/2016. Đây là một Nghị quyết sâu, rộng không chỉ cho năm 2016 mà cho cả giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời đưa ra những nguyên tắc quan trọng về doanh nghiệp như: Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh, Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý… Để Nghị quyết 35 đi vào cuộc sống, các địa phương, bộ, ngành đang khẩn trương cụ thể hóa, xây dựng chương trình hành động nhằm thực hiện với mục tiêu, lộ trình, chỉ tiêu cụ thể.

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, ngày 01/6/0216, UBND tỉnh Thanh Hóa và VCCI đã ký kết Cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Nội dung chính của cam kết là tỉnh Thanh Hoá sẽ phối hợp với VCCI triển khai các biện pháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch và thông thoáng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020. Chính quyền tỉnh và VCCI cũng hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và phát triển bền vững. Hai bên cũng thống nhất định kỳ thường niên, VCCI và tỉnh Thanh Hóa tổ chức gặp gỡ, trao đổi đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Thanh Hoá là một trong số ít địa phương sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng… sớm ký kết thoả thuận với VCCI về cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Hơn thế, với những điều mà chính quyền tỉnh Thanh Hoá khẳng định trong những năm gần đây và tư duy tích cực, tinh thần cầu thị của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi khá kỳ vọng về một môi trường đầu tư kinh doanh cởi mở trong thời gian tới.

Trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại các địa phương hiện vẫn còn một số “điểm nghẽn”, thậm chí gây bức xúc cho DN, nhất là về lĩnh vực đất đai, cấp giấy phép xây dựng,... Vậy quan điểm của VCCI về vấn đề này thế nào?

Trở lại câu chuyện PCI tại các tỉnh, TP cho thấy: lĩnh vực đất đai và cấp phép xây dựng hiện đang gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp. Ở 10 tỉnh thì có đến 7-8, Sở Tài Nguyên và Môi trường phản ánh: Đã nỗ lực rất nhiều nhưng điểm số luôn thấp hơn các chỉ số thành phần khác. Điều này cũng có nguyên nhân Chính sách về đất đai liên tục thay đổi, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đất đai còn nhiều bất cập, chồng chéo, nhất là từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực, đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện nhưng còn nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó là việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm chất lượng là công tác thu hồi đất còn kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của các công trình, dự án,...

Một vấn đề nữa là các thủ tục hành chính, trong đó việc cấp phép xây dựng vẫn đang là khâu phức tạp và mất nhiều thời gian nhất. Trước năm 2010, Bộ Xây dựng thống kê có 33 bước thủ tục xây dựng và tìm cách giảm, nhưng rất tiếc gần đây với tư duy “quản chặt” thì lại “đẻ” thêm các thủ tục và phức tạp hơn. Trong Nghị quyết số 35/NQ-CP, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, sửa đổi các quy định về cấp phép xây dựng để giảm thời gian cấp phép; tiếp tục phân cấp, ủy quyền mạnh hơn trong việc thẩm định thiết kế, dự toán… Đây là những mong mỏi rất lớn của các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng, mong chờ vào những chính sách, biện pháp tích cực của Bộ Xây dựng để quy trình cấp phép xây dựng được tinh gọn hơn…

Nói như vậy để chúng ta thấy rằng không riêng gì Thanh Hoá mà ở nhiều địa phương khác, vấn đề cấp phép xây dựng vẫn gặp nhiều vướng mắc và chính điều đó đã dẫn đến sự việc gây tranh luận giữa Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hoá trong thời gian qua. Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 35 cũng nhằm khắc phục tình trạng này và đã tạo động lực, kỳ vọng lớn đối với doanh nghiệp. Sau khi sự việc xảy ra, VCCI đã cử lãnh đạo về làm việc với tỉnh Thanh Hoá, trên tinh thần đề nghị tỉnh có những giải pháp ổn thỏa vừa đảm bảo kỷ cương quản lý song cũng tạo điểu kiện để doanh nghiệp có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Tất nhiên trong hoạt động chắc chắn sẽ còn những độ “vênh” nhất định giữa công tác quản lý của cơ quan Nhà nước với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền tỉnh Thanh Hoá cũng như các địa phương cần tổ chức nhiều hơn nữa những buổi đối thoại với doanh nghiệp để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng, nắm bắt khó khăn vướng mắc và cùng nhau tháo gỡ. Có như vậy, chúng ta thực hiện được song hành mục tiêu vừa quản lý chặt chẽ, vừa xây dựng được bộ máy chính quyền kiến tạo, phục vụ và vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Ngô Khuyến

VCCI News