The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Từ PCI nhìn về thực tế ở Đà Nẵng

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2016. Bên cạnh vài gam màu tối, “bức tranh” PCI ở nhiều nơi đã sáng sủa hơn và người ta đang hy vọng mảng sáng ấy sẽ rõ dần lên…

Lần thứ 4 liên tiếp, Đà Nẵng giữ vững ngôi đầu dù cho cả Bí thư Nguyễn Xuân Anh lẫn Chủ tịch UBND Huỳnh Đức Thơ cho hay thành phố mình vẫn phải cải thiện nhiều. Ông Xuân Anh nói rằng: “Đà Nẵng nỗ lực cố gắng không vì vị trí dẫn đầu cả nước. Chúng tôi chỉ suy nghĩ đơn giản nỗ lực hết sức mình. Sự thành công của doanh nghiệp là sự thành công của cấp ủy đảng, chính quyền Đà Nẵng”.

Mới đây, Chủ tịch Thơ cũng khẳng định: “Đà Nẵng không thu hút đầu tư bằng mọi giá để đánh đổi môi trường”. Thời gian sẽ trả lời thiện ý của hai lãnh đạo cao nhất thành phố đang dẫn đầu PCI nhưng họ làm tốt thì không chỉ doanh nghiệp mà cả người tiêu dùng sẽ hưởng lợi. Một khi các loại phí không tên, thủ tục bớt phiền hà, hàng hóa lưu thông thuận lợi, mọi việc thông thoáng… thì giá cả chắc chắn dễ chịu, hợp lý hơn và khách hàng sẽ là người vỗ tay đầu tiên.

Không chỉ ở phía trên mà ở cuối bảng xếp hạng PCI, các tỉnh thuộc nhóm cuối đã có nhiều nỗ lực cải cách khá ấn tượng. Khoảng cách giữa tỉnh cao nhất và thấp nhất được thu hẹp chỉ còn 17 điểm, thấp kỷ lục trong 12 năm qua. Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI bảo rằng, kết quả PCI 2916 phản ánh những dấu hiệu khởi sắc với doanh nghiệp dân doanh trong nước.

PCI
PCI năm 2016. Chỉ có 6 tỉnh thành được doanh nghiệp chấm điểm rất tốt.

Lần đầu tiên trong 12 năm qua, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp tăng lên mức cao nhất, bình quân 18,1 tỷ đồng, gấp đôi so với cách đây 10 năm. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động tăng thêm 1%, lên 13% sau một năm. Những con số ấy chưa thể thay đổi nhanh và mạnh nhiều thứ nhưng cũng cho thấy một dấu hiệu tích cực. Trong hoàn cảnh kinh tế còn khá nhiều khó khăn thì bất cứ một nỗ lực vươn lên nào cũng đáng ghi nhận, nhất là với những tỉnh khó khăn và các doanh nghiệp dân doanh. Tuy nhiên, bức tranh sáng màu trên vẫn còn trộn nhiều vết gợn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết chi phí không chính thức giai đoạn 2014-2016 chưa có dấu hiệu cải thiện. Theo ông, các chỉ tiêu đo lường ở giai đoạn này dường như diễn biến theo xu hướng tiêu cực so với giai đoạn 2008-2013. Trung bình có khoảng 66% doanh nghiệp phải “móc hầu bao” cho các khoản không chính thức, cao hơn 12-15 điểm phần trăm so với 5 năm trước!? Còn khối doanh nghiệp FDI lại phàn nàn về thanh kiểm tra, nhất là thủ tục với ngành thuế.

Trong năm 2016, có 7 doanh nghiệp bị thanh kiểm tra hơn 20 lần và có 1 công ty bị kiểm tra tới 50 lần! Chưa kể 8% doanh nghiệp cho biết họ đưa quà vì bị cán bộ thanh kiểm tra đòi hỏi và tỷ lệ doanh nghiệp coi đó như “luật bất thành văn” chiếm 59%. Điều tra PCI năm 2016 với khối FDI cho thấy có 45% doanh nghiệp đưa quà và chi phí “bôi trơn” trong các đợt thanh kiểm tra năm 2016. Khối này cho rằng trên thực tế, khả năng tiếp cận tín dụng sẽ lớn hơn khi có mối quan hệ thân hữu với các cơ quan nhà nước!?

Có thể còn có những “hiểu lầm” gì đó nhưng những con số trên quả là đáng báo động. Nhất là trong bối cảnh Chính phủ kiên quyết tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và nhiều tỉnh thành, ngành nỗ lực từng chút một. Nếu không làm rõ và chấn chỉnh, e rằng không chỉ doanh nghiệp nhụt chí, tham nhũng có đất sống mà môi trường kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng xấu. Từ báo cáo trên đến thực tế chắc còn khoảng cách nhưng đây nên được xem là “báo động đỏ” hơn là cảnh báo đơn thuần.

Doanh nghiệp làm ăn tốt, người tiêu dùng được lợi, kinh tế phát triển và ngân sách dồi dào. Những liên hệ ấy phản ảnh trên bảng xếp hạng PCI khá rõ. Chuyện còn lại là các bên liên quan, đặc biệt là cơ quan quản lý sẽ tiếp thu và thực hiện thế nào. Tôi tin nếu nỗ lực như Đà Nẵng và những cái tên ở nhóm đầu đang làm thì không riêng PCI sẽ đẹp mà nền kinh tế, môi trường kinh doanh sẽ sớm sáng sủa hơn.

Thiện Hiếu

Người Tiêu Dùng