The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Tuyên Quang: Cải thiện các chỉ số thành phần còn thấp

Trước yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, thu hút đầu tư được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tạo nguồn lực thực hiện mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Do đó, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh có ý nghĩa quan trọng để tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư đầu tư các dự án, tạo nhiều việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống nhân dân.
Những nỗ lực đáng ghi nhận
Tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện chỉ số PCI, từ một tỉnh từng đứng áp chót trên bảng xếp hạng nhưng với nhiều giải pháp cụ thể, hiệu quả, tích cực, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới thì còn nhiều việc phải làm để môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh hấp dẫn hơn.
Kết quả công bố Chỉ số PCI năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉnh Tuyên Quang xếp hạng thứ 31/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 5/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, đạt 63,46 điểm, (tăng 1 bậc và giảm 1,67 điểm so với năm 2019), nằm trong số các tỉnh có điểm số trung bình. Trong 10 chỉ số thành phần năm 2020, tỉnh có 4 chỉ số tăng điểm gồm: Chi phí thời gian tăng 0,72 điểm, Cạnh tranh bình đẳng tăng 1,12 điểm, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng 0,07 điểm, Đào tạo lao động tăng 0,15 điểm. Tuy nhiên, có đến 6 chỉ số giảm điểm là chỉ số Gia nhập thị trường giảm 1,76 điểm, Tiếp cận đất đai giảm 0,94 điểm, Tính minh bạch giảm 0,45 điểm, Chi phí không chính thức giảm 0,36 điểm, Tính năng động của chính quyền tỉnh giảm 0,45 điểm, Thiết chế pháp lý giảm 0,43 điểm.
Những chỉ số giảm điểm lại là những chỉ số “nhạy cảm” được các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân đặc biệt quan tâm. Do đó, tiếp tục nâng cao chất lượng các chỉ số tăng điểm, nhiệm vụ trọng tâm là triển khai các giải pháp để tăng điểm các chỉ số thành phần đạt thấp bảo đảm tăng vị trí xếp hạng chỉ số PCI năm 2021. UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch Kế hoạch nâng cao chỉ số PCI tỉnh Tuyên Quang năm 2021 với mục tiêu phấn đấu đạt từ 66 điểm trở lên, nằm trong tốp 25 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và nằm trong các tỉnh, thành phố có điểm số khá, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích và thanh toán không dùng tiền mặt; tăng tỷ lệ người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính, trong đó tập trung tăng tỷ lệ mức độ hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư. Đồng thời, thực hiện tích hợp 50% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng dịch vụ công quốc gia; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; phấn đấu tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Tạo niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp
Đối với các chỉ số đạt thấp, đặc biệt là chỉ số Tiếp cận đất đai, Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Chi phí không chính thức... tỉnh có từng cách làm cụ thể. Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhấn mạnh, để cải thiện các chỉ số này yếu tố căn cốt vẫn là khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” của cơ quan quản lý Nhà nước. Chỉ đạo chung của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng và các huyện, thành phố luôn đặt mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp, các nhà đầu tư nhưng cán bộ cấp dưới, có thẩm quyền đôi khi lại chưa cởi mở, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Do đó, nêu cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ là khâu đột phá để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian tới. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh ta chú trọng thực hiện bằng việc giao việc đột phá, đổi mới đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố cũng thực hiện giao việc đột phá, đổi mới đối với cán bộ lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn để tập trung giải quyết nhanh chóng, hiệu quả đối với những việc còn yếu kém, hạn chế, tồn đọng, trong đó có việc cải thiện chỉ số PCI. Như đối với chỉ số Tiếp cận đất đai tỉnh giao lãnh đạo ngành Tài nguyên và môi trường đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Nhiệm vụ trọng tâm là rà soát thủ tục hành chính về đất đai tại cấp tỉnh, cấp huyện để điều chỉnh, bổ sung theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, thuận lợi cho người sử dụng đất tham gia thực hiện các giao dịch về đất đai; công khai tất cả các quy hoạch, thông tin về các quỹ đất “sạch” đấu giá kêu gọi nhà đầu tư, các dự án có sử dụng đất kêu gọi đầu tư trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và Trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Đối với các chỉ số Tính minh bạch hay Chi phí không chính thức được các doanh nghiệp, nhà đầu tư rất quan tâm, bởi sự “mù mờ” sẽ làm cho chi phí không chính thức sẽ tăng lên, gây ra những tiêu cực. Vì vậy, tỉnh tập trung cải thiện các chỉ số này để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Theo đó, các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh phải thực hiện công khai các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, giải thích các điểm chưa rõ ràng, chưa cụ thể trong các quy định pháp luật, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật được đầy đủ, thuận lợi, tiết kiệm chi phí.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tổ chức Chương trình Cà phê doanh nhân và đối thoại doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình triển khai các dự án tại tỉnh. Ông Vi Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty Honda Linh Lực chia sẻ, Tuyên Quang là tỉnh đầu tiên tổ chức Chương trình Cà phê doanh nhân, đây là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân được tiếp xúc, gặp gỡ, đề xuất với lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện. Tại chương trình, nhiều vướng mắc về thủ tục đất đai, pháp lý khác và một số biểu hiện tiêu cực của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền mà doanh nhân phản ánh đã được lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng và các huyện giải quyết kịp thời, tạo niềm tin, động lực cho doanh nghiệp đầu tư làm ăn thực hiện tốt mục tiêu “Doanh nghiệp phát tài, Tuyên Quang phát triển”.
Nghiêm túc triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số PCI chắc chắn sẽ cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về dự Chương trình Cà phê doanh nhân tháng 1-2021 trả lời phỏng vấn báo chí nhấn mạnh, với sự cởi mở, cầu tiến của lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng của Tuyên Quang, chỉ số PCI của tỉnh được cải thiện rất nhanh trong thời gian tới. Tuyên Quang là điểm sáng với nhiều mô hình đi trước như Cà phê Doanh nhân; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện, sở, ngành (DCI) và thành lập Trung tâm tư vấn pháp lý và hỗ trợ doanh nghiệp... sẽ đưa Tuyên Quang vào top trên của bảng xếp hạng PCI trong những năm tới.