Góc nhìn của doanh nghiệp
Chỉ số PCI giúp đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh các tỉnh, thành phố dưới góc nhìn của doanh nghiệp (DN). Chỉ số được hình thành từ hệ thống 10 chỉ số thành phần như chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức… thực hiện khảo sát với khoảng 12.000 DN, trong đó có các DN trên địa bàn tỉnh. Như vậy có thể nói việc tăng, giảm điểm, thứ hạng Chỉ số PCI của tỉnh phụ thuộc vào sự đánh giá của DN.
Đối với các DN thì môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp các DN hoạt động ổn định và phát triển, đồng thời cũng tạo môi trường thuận lợi thu hút thêm các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, từ đó tạo thêm việc làm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tuy nhiên trong năm vừa qua với nhiều vấn đề tác động đến sản xuất, kinh doanh của DN về đại dịch Covid-19, chiến tranh Nga - Ucraina góc nhìn của DN qua các Chỉ số PCI của tỉnh có chiều hướng đi xuống, đặc biệt là những chỉ số liên quan đến tiếp cận đất đai, hỗ trợ DN, chi phí không chính thức...
Hướng dẫn người dân và doanh nghiệp thực hiện hồ sơ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Theo đánh giá của VCCI, năm 2022 số DN của tỉnh báo lãi chỉ đạt 48% (giảm 16% so với năm 2021), trong khi đó DN báo lỗ lên đến 33% (tăng 6% so với năm 2021). Các DN của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ "sức đề kháng yếu" khi có những biến động về thị trường rất dễ chịu tác động, trong khi đó việc triển khai các chính sách hỗ trợ lại chậm, rất nhiều vướng mắc về thủ tục. Có tới 40% DN của tỉnh gặp phải khó khăn về tín dụng, trong khi đó việc tiếp cận về đất đai hiện nay gặp nhiều khó khăn, thiếu quỹ đất, việc giải quyết các TTHC về đất đai còn chậm.
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết, mặc dù khó khăn của DN đã được nêu ra nhiều lần qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại với chính quyền, nhưng chưa được cơ quan, người có trách nhiệm tháo gỡ, giải quyết thỏa đáng. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia phản biện, xây dựng các chính sách còn chậm, chưa phát huy được vai trò trong cộng đồng DN trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách của tỉnh. Tuy nhiên DN sẽ khó "mở lời than trách" vì sẽ ảnh hưởng đến công việc, quá trình kinh doanh của họ. Một số cán bộ, công chức khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC vẫn có thái độ "vòi vĩnh" làm khó DN... Các đồng chí lãnh đạo phải trực tiếp trong vai người dân và DN thử đi làm thủ tục, giấy tờ mới thấy được hết những khó khăn...
Bên cạnh đó, dưới góc nhìn của DN, nhiều lãnh đạo cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự cởi mở, đồng hành cùng DN; có tư tưởng nhìn nhận và đánh giá năng lực, trình độ của DN đóng trên địa bàn yếu kém trong khi không có chính sách cởi mở để tạo điều kiện hỗ trợ, bảo vệ cho DN tại địa phương, DN khó tiếp cận các nguồn hỗ trợ theo quy định của Chính phủ... Chính vì vậy mà Chỉ số "Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp" giảm tới 0,95 điểm so với năm 2021, xếp thứ 61/63 tỉnh, thành phố.
Khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"
Thực tế, tỉnh và các ngành chức năng đều nhận diện rất rõ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc tạo lập môi trường kinh doanh tốt hơn cho DN, cũng như nâng cao Chỉ số PCI, đó là việc hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ; thiếu quỹ đất "sạch" để thu hút đầu tư; lao động tuy đông nhưng tay nghề chưa cao khiến DN phải thực hiện đào tạo lại; một số cấp, ngành chưa thực sự năng động, quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho DN, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ DN; tinh thần, trách nhiệm, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao...
Đi vào phân tích cụ thể, có phần do yếu tố khách quan như tình hình dịch bệnh, thiên tai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của tỉnh chưa bảo đảm nhu cầu lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên phần nhiều là do nguyên nhân chủ quan như: Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức chưa thật sự quan tâm đến PCI; thái độ phục vụ Nhân dân và DN của một bộ phận cán bộ, công chức chưa thật sự tốt. Vai trò của người đứng đầu các sở, ban, ngành và địa phương chưa thật sự quyết tâm trong việc triển khai các giải pháp, phân công, kiểm tra, đôn đốc và mạnh dạn xử lý tiêu cực liên quan đến hoạt động DN. Tiêu biểu như Chỉ số "Tiếp cận đất đai" là điểm số thấp nhất trong 10 chỉ số thành phần xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố. Có tới 67% DN cho rằng việc giải quyết TTHC về đất đai dài hơn so với thời hạn trong quy định và quy trình thủ tục giải quyết còn chưa đúng quy định.
Sản xuất chế biến gỗ tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.
Mặc dù quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục tăng trong những năm gần đây, tuy nhiên Chỉ số PCI lại giảm sâu. Kết quả này khiến các ngành chức năng của tỉnh không khỏi băn khoăn. Nhiều ý kiến cho rằng, số lượng DN trên địa bàn tỉnh được tham gia khảo sát liệu có thể đại diện hết và chưa phản ánh đầy đủ ý kiến của DN. Tuy nhiên, kết quả công bố vẫn là một căn cứ có tính tham khảo để tỉnh nghiêm túc nhìn nhận rõ hơn về thực trạng chính sách hỗ trợ DN, chất lượng điều hành kinh tế, từ đó tìm ra những phương hướng cải thiện hiệu quả.
Đối với nhiệm vụ cải thiện Chỉ số PCI, trong công tác chỉ đạo điều hành thời gian qua là rất quyết liệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 02-CT/TU về đẩy mạnh công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; UBND tỉnh hàng năm cũng đã xây dựng Kế hoạch chi tiết, có lộ trình về nâng cao Chỉ số PCI. Vấn đề còn lại là cần phải thể hiện sự quyết tâm của các cơ quan, đơn vị chính quyền, cán bộ công chức tận tâm, trách nhiệm với tinh thần "đồng hành cùng doanh nghiệp".
Gần đây nhất, ngày 29-8, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 - 2024. Mục tiêu năm 2023 Chỉ số PCI của tỉnh tăng từ 20 bậc trở lên trong bảng xếp hạng PCI của cả nước, trở lại nhóm các tỉnh có điểm số khá. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo tất cả 10 chỉ số thành phần phải có sự cải thiện. Trong đó, tập trung triển khai các giải pháp cụ thể đối với 6 chỉ số bị giảm điểm như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tính minh bạch, Tính năng động và tiên phong của chính quyền, Chi phí thời gian, Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai. Đặc biệt, cải thiện mạnh mẽ đối với 2 chỉ số thành phần có trọng số lớn nhưng bị giảm điểm gồm: Chính sách hỗ trợ DN và Tính năng động và tiên phong của chính quyền.
Theo đó, UBND tỉnh đặt ra yêu cầu: Chính quyền minh bạch, cán bộ công chức tận tâm, trách nhiệm với tinh thần "đồng hành cùng DN". Đội ngũ cán bộ, công chức phải thay đổi mạnh mẽ về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ; giao tiếp với người dân và DN trên tinh thần "hỗ trợ - lắng nghe - thân thiện - nhiệt tình". Quyết tâm đẩy mạnh cải cách TTHC, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ bưu chính công ích; Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giải quyết công việc. Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt. Thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ người dân và DN đi vào thực chất và hiệu quả, tránh thực hiện hình thức.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cho biết, qua những chỉ số giảm điểm, sở, ngành nào có liên quan thì cần phải có trách nhiệm phân tích kỹ các nguyên nhân của đơn vị mình để có giải pháp sớm khắc phục. Trong đó, đặc biệt phải nhanh chóng nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ tại Bộ phận Một cửa các cấp; các sở, ngành, địa phương chủ động cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch, triển khai các dự án, giúp cộng đồng DN tiếp cận nhanh hơn với các thông tin chỉ đạo, điều hành và chủ trương, chính sách của tỉnh; tăng cường tổ chức gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Các sở, ngành, huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện các giải pháp cụ thể, kịp thời chấn chỉnh hành vi nhũng nhiễu DN, tạo điều kiện thuận lợi, cơ hội cho DN vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ phát triển bền vững.
Theo Báo Tuyên Quang