Tuyên Quang: Sát cánh cùng DN và nhà đầu tư
Ông Trương Xuân Quý - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Tuyên Quang khẳng định, tỉnh luôn coi lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích của mình, sẵn sàng tạo mọi điều kiện và sát cánh cùng cộng đồng DN để cùng phát triển bền vững.
Theo ông Quý, với tinh thần như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn Tuyên Quang đã thu hút và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 108 dự án, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông lâm sản, du lịch dịch vụ...
- Như ông nói, số dự án trên vẫn còn khiêm tốn nếu so với nhiều địa phương khác. Vậy, để dòng vốn đầu tư chảy vào Tuyên Quang nhiều hơn nữa, công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh sẽ tập trung vào vấn đề gì , thưa ông?
Để thu hút được nhiều dự án đầu tư hơn nữa vào Tuyên Quang, tôi cho rằng công tác xúc tiến đầu tư chắc chắn phải thay đổi.
Trước hết, chúng tôi sẽ thay đổi quan điểm về xúc tiến đầu tư. Coi lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích của địa phương trong mọi hoạt động. Đây là điểm mấu chốt để thay đổi nhận thức, thái độ, văn hóa ứng xử theo hướng chuyên nghiệp của các cán bộ, công chức trong việc tiếp xúc, giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Quan điểm và cách tiếp cận này được quán triệt trong toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương, từ lãnh đạo các cấp đến các cán bộ trực tiếp tiếp xúc với các nhà đầu tư và xử lý các công việc liên quan đến thủ tục đầu tư.
Tiếp theo nữa là xác định đúng mục tiêu, trọng điểm để xúc tiến đầu tư, đồng thời với việc tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư, tăng cường tiếp cận với các Đại sứ, các Ngân hàng, các Quỹ đầu tư, các Công ty tư vấn đầu tư, các hiệp hội nước ngoài… bởi đây là những tổ chức có tác động rất lớn đến việc ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cũng cần chủ động thông tin cho các nhà đầu tư về chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương liên quan đến lĩnh vực, ngành nghề mà nhà đầu tư quan tâm, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thông tin để nghiên cứu, tìm ra những cơ hội đầu tư cụ thể để chủ động đề xuất với địa phương.
Và cuối cùng là tăng cường năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thông qua việc công khai minh bạch các thông tin cần thiết cho nhà đầu tư như quy hoạch, đất đai, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của địa phương, các cơ hội, dự án đầu tư cụ thể… Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thân thiện, giảm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư.
- Trong năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tuyên Quang cũng đã tăng 3 bậc so với năm 2015. Đây được xem là nỗ lực lớn của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thưa ông?
Đúng vậy! ngay từ năm 2013, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo cải thiện chỉ số PCI và chủ động xây dựng kế hoạch hành động nhằm cải thiện chỉ số PCI. Ban Chỉ đạo cũng đã giao nhiệm vụ cho các thành viên đảm trách thực hiện khắc phục và nâng cao các chỉ số thành phần, góp phần cải thiện Chỉ số PCI của Tuyên Quang.
Trên thực tế, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ngành chức năng đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, ban hành những cơ chế chính sách phù hợp, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các DN phát triển. Việc tập trung thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính là một trong những yêu cầu quan trọng mà tỉnh tập trung chỉ đạo, thực hiện nhằm góp phần nâng cao chỉ số PCI.
Đây là điều kiện tiên quyết, quan trọng để tỉnh kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các DN tham gia đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển. Mặc dù năm 2016 chỉ số PCI của Tuyên Quang đã tăng 3 bậc từ 48/63 lên 45/63, nhưng trong thời gian tới, chúng tôi vẫn xác định sẽ luôn đồng hành cùng các DN, nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục nâng cao chỉ số PCI.
- Được biêt, Tuyên Quang cam kết cải cách giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, con số này cần phải tăng hơn nữa thì mới “kéo” thêm được dòng vốn đầu tư vào Tuyên Quang?
Đúng vậy! thời gian tới chúng tôi sẽ “ tăng tốc” trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư về giải quyết thủ tục hành chính. Với mong muốn các nhà đầu tư coi Tuyên Quang là vùng đất “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, tạo ra giá trị gia tăng cốt lõi của DN. Để biến các mục tiêu này trở thành hiện thực, trong nhóm các giải pháp hỗ trợ DN, tỉnh sẽ tập trung giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các DN; Làm tốt công tác quy hoạch vùng nguyên liệu để DN đầu tư sản xuất hàng hóa tập trung; Đào tạo và đào tạo lại lao động, nhằm cung ứng cho DN nguồn nhân lực có chất lượng tốt nhất; Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các chương trình café doanh nhân, đối thoại với DN để nắm bắt những khó khăn vướng mắc, nhu cầu của nhà đầu tư, DN… qua đó tháo gỡ nhanh nhất những kiến nghị của DN. Chương trình “Cà phê doanh nhân” là kênh thông tin đối thoại cởi mở giữa chính quyền tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành; tăng cường công tác đối thoại để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN, từ đó xây dựng các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện kinh doanh, đầu tư thuận lợi nhất.
Cuối cùng, với phương châm đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc, chúng tôi xác định 3 khâu đột phá gồm: Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, nghiệp sạch công nghệ cao; Khai thác tiềm năng để phát triên phát triển du lịch - dịch vụ; đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông lâm sản và công nghiệp hỗ trợ... Chúng tôi tin tưởng rằng, với những định hướng cụ thể này, Tuyên Quang sẽ tiếp tục trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
- Xin cảm ơn ông!