The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Tuyên Quang: Tăng cường các giải pháp hỗ trợ thị trường, xử lý nợ xấu

Đến hết tháng 9, tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 8.300 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2013 tăng 694 tỷ đồng. Trong đó, cho vay nông, lâm nghiệp, thủy sản 2.459 tỷ đồng, tăng 354 tỷ đồng so với năm 2013; cho vay công nghiệp, xây dựng 2.783 tỷ đồng, tăng 560 tỷ đồng so với năm 2013; cho vay thương mại, dịch vụ 1.537 tỷ đồng, giảm so với năm 2013 là 487 tỷ đồng; cho vay các mục đích khác 1.746 tỷ đồng, tăng so với năm 2013 là 191 tỷ đồng.
Có thể nói, giải pháp hỗ trợ thị trường trên địa bàn tỉnh có tác dụng tốt nhất là việc áp dụng lãi suất ưu đãi cho các khu vực ưu tiên. Lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là 8%/năm; cho vay ngắn hạn không thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên ở mức 10,5 - 12,5%/năm; cho vay trung và dài hạn từ 12- 13,5%/năm. Mặt bằng lãi suất huy động trên địa bàn giảm từ 0,5 - 1,5%/năm so với đầu năm 2014. Các ngân hàng đang tích cực rà soát, đánh giá năng lực tài chính, khả năng điều hành quản trị của các doanh nghiệp để cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, HTX, hộ dân có khả năng phát triển đi lên; cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 195 doanh nghiệp với số dư nợ 792 tỷ đồng; ưu tiên thu nợ gốc trước, nợ lãi sau cho 39 doanh nghiệp với số dư nợ là 896 tỷ đồng. Cùng với việc có những chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế, ngành ngân hàng cũng đã đề ra các giải pháp để xử lý nợ xấu và đảm bảo tỷ lệ nợ xấu của ngành trong tầm kiểm soát. Nợ xấu đến hết tháng 9 của toàn ngành khoảng 107 tỷ đồng, chiếm 1,28% trên tổng dư nợ, so với cùng kỳ năm 2013 tăng 59,3 tỷ đồng, so với năm 2013 tăng 64,3 tỷ đồng. Nợ xấu gia tăng chủ yếu ở các doanh nghiệp trên địa bàn; trong khi đó nợ xấu của các cá nhân, hộ gia đình không có biến động nhiều so với năm 2013. Nguyên nhân chủ yếu là các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Giải pháp mà ngành đưa ra hiện nay là các chi nhánh Ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận, tích cực phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Bám sát khách hàng để thu hồi nợ xấu cũ, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; xem xét, đánh giá cơ cấu lại nợ đối với những khách hàng có khả năng phục hồi và phát triển trong thời gian tới. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng ưu tiên vốn đầu tư cho cây chè, mía, cam, nguyên liệu giấy và phát triển thủy sản. Theo các đề án, dự án, chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiếp tục thực hiện các giải pháp về tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, nhất là các doanh nghiệp bằng nhiều biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả như đối thoại, tọa đàm, kết nối...

Bài, ảnh: Nguyễn Đạt

Theo Báo Tuyên Quang điện tử ngày 22/10/2014