The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Tuyên Quang triển khai khá toàn diện về cải cách hành chính

Đoàn kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) của Bộ Tài chính do ông Ngô Hữu Lợi - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) làm trưởng đoàn, vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Tuyên Quang về tình hình thực hiện công tác CCHC.

cải cách hành chính, tuyên quang
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hữu Thọ

Tham dự buổi làm việc, về phía đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính có đại diện Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước, đại diện Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan và Vụ Pháp chế. Về phía tỉnh Tuyên Quang có bà Lê Thị Kim Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Tuyên Quang.

Theo báo cáo kết quả tự kiểm tra công tác CCHC của UBND tỉnh Tuyên Quang, thời gian qua, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan đơn vị trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Chính phủ, các quyết định, chỉ thị liên quan đến TTHC, trọng tâm là các lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp và người dân.

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ trong năm 2016, tập trung vào việc cắt giảm thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện TTHC, UBND tỉnh đã ban hành 8 quyết định công bố 861 TTHC thuộc các lĩnh vực tư pháp, kế hoạch và đầu tư, tài chính, công thương, tài nguyên môi trường...

Kết quả, đến nay đã có 580 TTHC của các sở, ban, ngành cấp tỉnh thực hiện giảm thời gian giải quyết TTHC cơ bản đạt trên mức 30%, đặc biệt có những thủ tục giảm từ 50% - 83% thời gian giải quyết so với quy định.

UBND tỉnh, các cơ quan ban ngành triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, nhân rộng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp huyện; Rà soát sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, nâng cao chất lượng dịch vụ công; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, cũng như thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức theo vị trí việc làm.

Tuyên Quang cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và vận hành chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cũng như áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 tại các cơ quan hành chính nhà nước. Chỉ số PCI của tỉnh Tuyên Quang tiếp tục xếp hạng ở vị trí thứ 2 trong các tỉnh miền núi phía Bắc và nằm trong nhóm các địa phương tốp giữa thứ hạng khá trong cả nước.

Về cải cách tài chính công, 100% đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý. UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc 6 sở, ngành của tỉnh.

Đánh giá về công tác CCHC, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Kim Dung cho biết thêm: Công tác CCHC được triển khai thực hiện khá toàn diện, bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá đang trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tuyên Quang cũng là một trong 10 tỉnh đầu tiên trong cả nước đã xây dựng danh mục vị trí, việc làm. Đặc biệt trong công tác cải cách về thể chế, đã thực hiện rất tốt công tác xây dựng cơ chế chính sách cần xin ý kiến người dân, cũng như các đối tượng thụ hưởng qua đó giúp các cơ chế chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống và được người dân ủng hộ.

"Tuyên Quang là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nên việc triển khai công tác CCHC gặp nhiều trở ngại. Nguồn lực dành cho hiện đại hóa hành chính còn thấp, cơ sở vật chất trang thiết bị làm việc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, nhất là đối với cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, công tác quản lý, cũng như cơ chế tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục gặp rất nhiều khó khăn", bà Lê Thị Kim Dung nêu rõ.

Kết thúc buổi làm việc, ông Ngô Hữu Lợi ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác CCHC của tỉnh trong thời gian qua. "Việc ban hành kế hoạch, cũng như xây dựng chương trình nội dung khá toàn diện, đưa ra các chỉ tiêu cụ thể, bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh với công tác CCHC. Cải cách thể chế đảm bảo đúng quy trình thủ tục, khi xây dựng các văn bản QPPL đã xin ý kiến các đối tượng thụ hưởng chính sách là cách làm rất sáng tạo, sớm đưa vào trong cuộc sống", ông Ngô Hữu Lợi nhấn mạnh.

Ông Lợi cũng đề nghị, Tuyên Quang cần sớm cải thiện chỉ số về năng lực cạnh tranh (PCI) bởi đây là chỉ số rất quan trọng với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đồng thời, tỉnh Tuyên Quang cần tăng cường tuyên truyền công tác CCHC để người dân nhận thức tầm quan trọng và ủng hộ, giám sát cũng như cố gắng đẩy nhanh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên cấp độ 3, 4.

Trưởng đoàn kiểm tra cho rằng: dư địa để CCHC sẽ ngày càng hẹp dần vì vậy bên cạnh công tác chỉ đạo, ban hành thì cần tăng cường công tác kiểm tra, các chỉ tiêu cần xây dựng thật rõ, cũng như tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC theo các nghị quyết của Chính phủ; chế độ công vụ, mô tả vị trí việc làm, phục vụ tốt tinh giản biên chế, bố trí cán bộ đào tạo bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu CCHC của Chính phủ./.

Khánh Huyền