Ngày 4/8, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị gặp gỡ trao đổi với doanh nghiệp (DN) quý II/2023, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tham dự có các đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các hiệp hội, DN, HTX trên địa bàn tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 217 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1.849 tỷ đồng, giảm 24,9% số DN. Tổng số DN đang hoạt động đến ngày 30/6 có 4.390 DN. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã cấp quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 37 dự án/1.157 tỷ đồng; đã cấp điều chỉnh đăng ký bổ sung vốn cho 63 DN, với tổng vốn trên 904 tỷ đồng. UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở ngành, địa phương, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, khắc phục điểm nghẽn về thể chế, thủ tục hành chính; thành lập 3 tổ công tác liên ngành kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, tập trung giải quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN, nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành dự án, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Các tổ công tác đã tổ chức 15 cuộc làm việc, kiểm tra tại các dự án; tiếp nhận, giải quyết 24/60 kiến nghị của DN, còn 36 kiến nghị đang được giải quyết, trong đó có 32 kiến nghị cụ thể liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, môi trường, quy hoạch xây dựng và 4 nhóm kiến nghị chung về vấn đề giá đất, chuyển đổi đất rừng, phòng cháy chữa cháy, tín dụng.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị các DN đã kiến nghị, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính trên các lĩnh vực về pháp lý, thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, điều kiện kinh doanh, thuế, phí, lệ phí… Đại diện các ngành, địa phương cũng đã trả lời, thông tin cụ thể từng nội dung đề xuất, kiến nghị của các DN.
Lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phát biểu ý kiến.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận đánh giá cao các đề xuất, kiến nghị, những phản ánh, chia sẻ của các DN về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong thời gian qua; đề nghị các sở, ngành, đơn vị địa phương cần vào cuộc nhanh, hiệu quả hơn trong tháo gỡ những vướng mắc của DN; bám sát và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Triển khai kịp thời các chính sách, đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các DN phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho DN là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Khơi thông các điểm nghẽn, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực quản trị DN. Tăng cường gặp gỡ, đối thoại với DN, giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của DN, nhất là xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan đến tiếp cận vốn tín dụng, tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, quy định phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường,... Bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương và địa phương, cộng đồng DN chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN gắn với chuyển đổi số, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động. Các hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề phát huy vai trò “cầu nối” phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành để triển khai hiệu quả chương trình, giải pháp hỗ trợ DN, tổng hợp các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của DN gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu báo cáo UBND tỉnh hoặc tham mưu kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Theo Báo Ninh Thuận