VCCI: Chưa rõ tình trạng dân béo phì sao đã đòi tăng thuế nước ngọt?
Trước đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Bộ Tài chính nhằm vào mặt hàng nước giải khát, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có phản hồi cho rằng cơ quan thuế chưa làm rõ được tỷ lệ tăng béo phì ở Việt Nam do nước ngọt nên đề xuất áp thuế TTĐB 10% là chưa có cơ sở.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI: Mục tiêu của đề xuất bảo vệ sức khỏe nhân dân do tác hại của tình trạng thừa cân, béo phì là hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay chưa có đánh giá cụ thể về việc đánh thuế ở mức 10% đối với nước ngọt như vậy sẽ làm giảm hoặc làm chậm tốc độ tăng tỷ lệ béo phì ở Việt Nam. Đây là yếu tố quan trọng nhất để cân nhắc về hiệu quả của chính sách thuế.
Ngoài câu hỏi về mức độ hiệu quả biện pháp đánh thuế so với mục tiêu chính sách, cũng cần trả lời, tiên liệu về tác động tiêu cực của chính sách như: Ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng của các gia đình tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, DN và người nông dân trong một số lĩnh vực nông nghiệp.
"Thuế nước ngọt có thể sẽ không chỉ tước đi niềm vui của các em nhỏ nông thôn mà còn có thể làm chậm tiến trình xóa suy dinh dưỡng trẻ em", Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay.
Theo phân tích của VCCI, đánh thuế TTĐB không chỉ khiến các DN sản xuất nước giải khát, các DN mía đường, nông dân trồng mía chịu ảnh hưởng, mà có thể ảnh hưởng cả những DN, nông dân trong các ngành cà phê, chè, trái cây, thậm chí cả sữa.
"Đơn cử ngành công nghiệp mía đường, hiện nay, thuế giá trị gia tăng đối với đường chỉ là 5%. Nói cách khác, Nhà nước có chính sách ưu đãi thuế đối với ngành mía đường, nhằm bảo đảm quyền lợi của người nông dân trồng mía. Thế nhưng cũng chính sản phẩm đường đó, pha vào nước đóng chai thì lại phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, tức là Nhà nước không khuyến khích. Như vậy, ở đây đã thể hiện một sự thiếu nhất quán về chính sách", Ông Tuấn cho hay.
Chính vì thế, VCCI đưa ra đề nghị: Bộ Tài chính chưa đánh thuế đối với nước ngọt cho đến khi có nghiên cứu đầy đủ hơn về tình trạng béo phì và hiệu quả của chính sách thuế đối với việc giảm béo phì tại Việt Nam.
Nếu sau khi nghiên cứu và kết luận rằng đánh thuế có tác dụng hiệu quả để hạn chế béo phì thì cũng chỉ nên đánh thuế đối với nước ngọt có hàm lượng đường cao, vượt quá ngưỡng nhất định, tương tự như cách làm của Singapore.
VCCI cho rằng, cơ quan Bộ Tài chính chưa làm rõ khái niệm nước trái cây và mặt hàng có đường khiến cho nhiều sản phẩm có thể bị đánh thuế "oan". Do đó, " cần xác định rõ hơn các khái niệm nước trái cây 100% tự nhiên, khái niệm sữa, cà phê sữa, chè sữa, sữa trái cây...", văn bản VCCI nói rõ.
Trước đó, khi Bộ Tài chính có đề xuất đánh thuế TTĐB vào nước ngọt, Hiệp hội Bia rượu và nước giải khát (VBA) đã phản đối và cho rằng đề xuất trên chưa làm rõ được tác động như thế nào đối với nền kinh tế, với ngành công nghiệp nước giải khát và người tiêu dùng. Nhà nước sẽ có lợi gì và hạn chế gì nếu thông qua luật này?
Theo VBA, ba cơ sở để áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt chưa thuyết phục. Trong đó, cơ sở cơ cấu lại nguồn thu và phù hợp thông lệ quốc tế chưa có số liệu chứng minh cụ thể sẽ thu được bao nhiêu? Thông lệ nào? Đánh thuế để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tránh béo phì cần phải được chứng minh một cách khoa học.
Theo Nguyễn Hồng Huy, Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham): Hiện chưa ai có đánh giá đúng là béo phì có do nước ngọt gây nên bởi trên thế giới, ngay ở Việt Nam béo phì do chủ yếu đồ ăn nhanh mà người Việt không chuộng đồ ăn nhanh.
Khái niệm nước ngọt được hiểu khá chung chung, nếu áp dụng ngay thì những sản phẩm dùng y học trẻ em sẽ bị áp thuế cao, ảnh hưởng đến cộng đồng. Trên thị trường hiện có sản phẩm bổ sung dinh dưỡng công thức dạng lỏng cho trẻ em kém phát triển hoặc bị bệnh tật, sản phẩm này không được gọi là sữa song vẫn được xếp vào nhóm nước ngọt. Nếu đánh là đánh thuế TTĐB sẽ nhắm vào đối tượng là trẻ em, những người phải hạn chế sử dụng các loại sữa vì bệnh tật, ăn kiêng.
An Linh