The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

VCCI đề nghị minh bạch hóa thu phí BOT

Hoạt động thu phí ở các trạm thu phí BOT đường bộ cần được giám sát, công khai hóa cho xã hội biết, theo góp ý của Phòng Thương mại va Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho dự thảo Thông tư quy định về trạm thu phí sử dụng đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải.

VCCI đề nghị việc kiểm tra, giám sát đếm xe ô tô phải được thực hiện định kỳ khoảng ba tháng một lần, có sự tham gia chung của cơ quan nhà nước, chủ đầu tư, đại diện doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp có vận tải nội bộ, đại diện Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân địa phương, đại diện cơ quan thuế, cơ quan báo chí, và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan.

Các báo cáo cần phải có bảng kê chi tiết đến từng ngày và số lượng từng loại phương tiện, và các thông tin này phải được công bố rộng rãi chứ không chỉ gửi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền như tại dự thảo. Mức độ chi tiết và sự công khai này sẽ giúp người dân và doanh nghiệp vận tải có được đủ thông tin để giám sát việc thu phí.

Cơ quan đại diện doanh nghiệp này cho rằng, công tác báo cáo và giám sát hoạt động thu phí sử dụng đường bộ hiện nay cũng như quy định của dự thảo chưa bảo đảm hiệu quả, nên cần thay đổi theo hướng trên.

VCCI khẳng định, các dự án đường bộ có thu phí hiện nay có mức thu phí quá cao và thời gian thu kéo dài, gây nhiều tác động tiêu cực đến việc đi lại của người dân cũng như hoạt động vận tải của các doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp vận tải, dù là người phải trả tiền, nhưng lại không được nắm bắt thông tin cũng như giám sát thực tế.

Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn khẳng định, phương pháp tốt nhất để bảo đảm cân bằng lợi ích giữa chủ đầu tư, nhà nước và người dân là phải bảo đảm sự minh bạch các hoạt động của dự án hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm quyền được biết thông tin và tham gia giám sát của người dân vào các dự án này.

Tính đến tháng 7-2016, chỉ riêng Bộ Giao thông Vận tải đã huy động được tổng vốn đầu tư là 212.386 tỉ đồng cho 79 dự án, chủ yếu là nằm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh (QL14).

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, ngành ngân hàng đã dành nguồn vốn lớn cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, chiếm 85-90% tổng mức đầu tư của các dự án BOT, BT có tài trợ vốn của ngân hàng. Tính đến 30-6-2016, riêng tại các ngân hàng thương mại, tổng mức cam kết cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông là 159.204 tỉ đồng; tổng dư nợ tín dụng là 83.611 tỉ đồng, tăng 12,43% so với cuối năm 2015.

Tư Hoàng

TheSaigonTimes