VCCI: Giấy phép và điều kiện kinh doanh đang bị dùng để loại đối thủ và tạo lợi ích nhóm
Theo trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, giấy phép và điều kiện kinh doanh được ban hành ra không chỉ để quản lý nhà nước mà còn bị sử dụng để loại đối thủ, tạo ra lợi ích nhóm.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), điều kiện kinh doanh đang chồng lấn xếp tầng lên nhau. Hiện, trong từng lĩnh vực cụ thể, mỗi ngành nghề kinh doanh “mẹ” lại gồm nhiều ngành nghề kinh doanh “con”, điều kiện kinh doanh “cháu”...
Theo báo cáo, số điều kiện kinh doanh trong ngành công thương là 700 điều kiện, giao thông vận tải 376 điều kiện, tài chính 490 điều kiện, y tế 327 điều kiện, nông nghiệp và phát triển nông thôn 270 điều kiện kinh doanh…
“Người ta đang coi điều kiện kinh doanh là công cụ quản lý nhà nước với tư duy quản lý bằng mọi giá mà không tính đến quy định như thế chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên đến đâu.
Sự phức tạp, chồng lấn, rắc rối của những quy định về điều kiện kinh doanh đang đẩy doanh nghiệp và nhà đầu tư vào tình trạng không biết phải có những giấy tờ gì cho đủ", ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết: "Vấn đề giấy phép kinh doanh nói mười mấy năm nay càng đi càng rối, càng cải cách càng không đạt mục tiêu”.
Nguy hiểm hơn, điều kiện kinh doanh được ban ra không chỉ để đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước mà thay vì cạnh tranh trực tiếp thì dùng giấy phép và điều kiện kinh doanh để loại đối thủ.
Điều kiện kinh doanh dựa vào quy mô, đưa ra điều kiện kinh doanh để loại các đối thủ, tạo quyền lợi cho một nhóm nhất định, tạo quyền lực cho cơ quan quản lý...
Nhiều điều kiện kinh doanh đã can thiệp vào hoạt động, quyền tự quyết của doanh nghiệp như điều kiện về số lượng nhân sự, diện tích phòng ốc, kho chứa, mô hình kinh doanh…
Có những điều kiện kinh doanh vô lý gây ra sự mất công bằng giữa các chủ thể trong cùng một lĩnh vực kinh doanh, như yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh taxi, vận tải theo hợp đồng phải đạt số lượng xe tối thiểu được Sở Giao thông Vận tải phê duyệt.
“Quy định này vô hình chung đã loại bỏ 70% doanh nghiệp vận tải nhỏ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn chiếm giữ thị trường, giảm sự lựa chọn của khách hàng. Không có cơ sở nào cho thấy doanh nghiệp có nhiều phương tiện hơn thì chất lượng dịch vụ tốt và an toàn hơn”, theo ông Tuấn.
Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu cảnh báo tình trạng ban hành điều kiện kinh doanh đang bị lạm dụng, theo các điều kiện kinh doanh này mà “giấy phép cha”, “giấy phép con”, “giấy phép cháu” lần lượt ra đời đang hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân và tác động tiêu cực tới chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam, cản trở kinh doanh, gây tốn kém chi phí không cần thiết của xã hội.
"Do vậy, không thể kéo dài tình trạng lạm dụng điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh khi những quy định kiểu đó tiếp tục sinh sôi can thiệp quyền tự do kinh doanh của người dân, của doanh nghiệp.
Cần phải rà soát, đánh giá lại các điều kiện hiện nay và có cơ chế kiểm soát điều kiện kinh doanh", ông Hiếu cho biết./.
Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN