VCCI: Liên kết doanh nhân Việt
Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội về tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ V (2008-2014) và phương hướng nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ VI (2014-2019) của VCCI đã chỉ rõ, trong nhiệm kỳ V, VCCI đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác chủ yếu do Đảng, Nhà nước giao và Đại hội V đề ra. Cụ thể, tổ chức của VCCI được mở rộng tạo thành mạng lưới liên kết các hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam ở trong nước và trên thế giới. Cơ quan VCCI đã hoàn thành khối lượng công việc tăng 40% so với nhiệm kỳ trước. Các mặt công tác được triển khai toàn diện và chất lượng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Ngoài các hoạt động truyền thống, VCCI đã triển khai nhiều hoạt động mới có tính sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Vị thế, uy tín của VCCI ở trong nước và quốc tế được nâng cao. VCCI được Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) đánh giá là một trong những Phòng Thương mại và Công nghiệp năng động nhất trong các nước đang phát triển và là một tổ chức mạnh trong cộng đồng các Phòng Thương mại - Công nghiệp và các tổ chức xúc tiến thương mại – đầu tư trên thế giới.
Một số kết quả hoạt động nổi bật trong nhiệm kỳ V bao gồm:
Thứ nhất, VCCI đã đề xuất, chủ trì xây dựng và trình Đề án làm cơ sở để Bộ Chính trị ban hành thành Nghị quyết số 09/NQ-TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế - văn kiện đầu tiên của Đảng về doanh nhân trong hơn 80 năm lịch sử Đảng. Đây là bước đột phá về mặt tư duy, khẳng định, vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo tinh thần của Nghị quyết 09/NQ-TW, với vai trò ngày càng tăng của doanh nhân, doanh nghiệp trong đời sống kinh tế, chính trị ở nước ta, tại diễn đàn Quốc hội, Chủ tịch VCCI cùng các đại biểu quốc hội là doanh nhân đã kiến nghị đưa doanh nhân, doanh nghiệp vào Hiến pháp. Kiến nghị trên đã được Quốc hội chấp nhận. Doanh nhân, doanh nghiệp lần đầu tiên đã được chính danh và khẳng định vai trò, vị trí trong Hiến pháp. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ khẳng định chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Thứ hai, VCCI đã triển khai hiệu quả hoạt động cải thiện môi trường đầu tư- kinh doanh. VCCI đã chủ động tổ chức nghiên cứu, phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân; Tổng kết thực tiễn, tập hợp ý kiến doanh nghiệp doanh nhân góp phần vào việc xây dựng đường lối chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế và doanh nghiệp, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Thứ ba, VCCI đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực điều hành kinh tế của chính quyền các địa phương. Bên cạnh việc tham gia xây dựng và thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính, tham gia Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, VCCI đã tổ chức điều tra, công bố và tư vấn hỗ trợ các địa phương nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo phong trào thi đua nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần tạo ra động lực cải cách từ địa phương, cơ sở. Với sự hỗ trợ của VCCI, hầu hết các tỉnh thành phố đã có Nghị quyết, Chương trình hành động cải thiện chỉ số PCI.
Thứ tư, công tác đào tạo, phát triển doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ doanh nhân đã có chuyển biến mạnh cả về số lượng và chất lượng. VCCI đã triển khai nhiều chương trình, dự án mang tính chất sáng tạo, phục vụ trực tiếp đối tượng các DN nhỏ và vừa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển chú trọng ở vùng sâu vùng xa, khu vực nông thôn, phát triển bền vững.
Thứ năm, hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư được triển khai khá toàn diện và được đổi mới theo hướng tập trung vào các hoạt động xúc tiến ở tầm quốc gia, tập trung xúc tiến với các tập đoàn đa quốc gia, gắn kết xúc tiến theo lĩnh vực ngành hàng với xúc tiến theo khu vực thị trường, gắn kết hỗ trợ các DN nhỏ và vừa với hỗ trợ các doanh nghiệp lớn của nền kinh tế, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến.
Thứ sáu, VCCI đã hỗ trợ thành lập, liên kết và nâng cao năng lực các hiệp hội doanh nghiệp bảo đảm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống hiệp hội doanh nghiệp thống nhất trong toàn quốc; đã triển khai thực hiện chức năng đại diện cho người sử dụng lao động và đã đạt được một số kết quả quan trọng. VCCI đã hỗ trợ thành lập Hiệp hội doanh nghiệp tại 46 tỉnh, thành phố; thành lập Hội đồng người sử dụng lao động ở 31 tỉnh, thành phố; tham gia tích cực trong Ủy ban Ba bên về Quan hệ lao động, Hội đồng Tiền lương quốc gia, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững.
Thứ bảy, cơ sở vật chất kỹ thuật của VCCI đã được tăng cường, hệ thống các Trung tâm xúc tiến thương mại- đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tại các địa bàn trọng điểm đã được hoàn thành cơ bản. Đời sống và việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, nhân viên được bảo đảm. Tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được kiện toàn và phát triển.
Ghi nhận những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự đóng góp của các hội viên và cán bộ, nhân viên của VCCI trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 2142/QĐ-CTN ngày 27/8/2014 về việc tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất cho VCCI vì "Đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2009 - 2013, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc".
Tại Đại hội VI của VCCI, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự và có bài phát biểu. Chủ tịch nước nhấn mạnh các điểm mà Ban Chấp hành VCCI khóa VI sẽ phải lưu ý trong nhiệm kỳ tới. Theo đó, VCCI cần phát huy hơn nữa vai trò tập hợp, liên kết các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, chủ động phối hợp với các cơ quan chính quyền hướng dẫn và hỗ trợ các hiệp hội doanh nghiệp thành lập và hoạt động có hiệu quả, bảo đảm hình thành hệ thống Hiệp hội doanh nghiệp thống nhất trong cả nước; Tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đề xuất tham mưu với Đảng và Nhà nước về quan điểm, cơ chế, chính sách xây dựng và phát triển các doanh nghiệp, trước hết là đóng góp tích cực vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng về những vấn đề liên quan đến kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân và môi trường kinh doanh...
Chủ tịch nước cũng đề nghị VCCI cần coi việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 09 là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cả nhiệm kỳ tới. "Trong thời gian trước mắt, để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, VCCI cần bám sát vào các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tích cực tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, trong đó tập trung vào nhiệm vụ xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược cạnh tranh hiệu quả, áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, xây dựng thương hiệu, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội; Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường hội nhập quốc tế; Xây dựng và triển khai chương trình nâng cao năng lực cho các hiệp hội doanh nghiệp; Tổ chức thu thập ý kiến của các doanh nghiệp về phản biện chính sách, nghiên cứu xếp hạng tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với các Bộ, ngành và các địa phương; Đánh giá định kỳ về chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ, góp phần đẩy mạnh công cuộc cải cách thể chế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh ở Việt Nam...", Chủ tịch nước phát biểu.
Thay mặt VCCI, TS Vũ Tiến Lộc đã tặng Chủ tịch nước tấm ảnh Mai An Tiêm - người được coi là ông tổ của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, ông tổ của nghề marketing và coi đó như là một lời hứa của cộng đồng doanh nghiệp sẽ nỗ lực vượt khó như Mai An Tiêm. Chủ tịch VCCI cũng cho biết: "Để ghi nhận những nỗ lực vượt khó và sáng tạo của doanh nhân trong giai đoạn hội nhập, VCCI sẽ nghiên cứu lập giải thưởng Mai An Tiêm để trao cho những doanh nhân tiêu biểu".
Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI đã nêu rõ phương hướng nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ VI (2014- 2019). Theo đó, VCCI sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò của tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, tổ chức quốc gia của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tham mưu có hiệu quả cho Đảng và Nhà nước về các chính sách kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo đảm phát triển bền vững.
Hai yêu cầu xuyên suốt và trọng tâm trong việc thực hiện các nhiệm vụ của VCCI trong nhiệm kỳ tới là tập trung kiến nghị với Đảng và Nhà nước các vấn đề chính sách, thể chế cũng như trực tiếp triển khai các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình để tập trung tháo gỡ khó khăn và giúp cho các doanh nghiệp trụ vững duy trì sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên, doanh nghiệp, doanh nhân toàn quốc tăng cường đoàn kết, liên kết vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy tính năng động, sáng tạo nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2014 - 2019, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hoàng Dương
Theo Baotintuc.vn ngày 28/03/2015