Vì môi trường kinh doanh thông thoáng
Hai Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2015. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những đổi mới của hai luật này, cùng với việc nâng cấp Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN, đưa vào hoạt động Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài và việc thực thi nghiêm túc hai luật này ở địa phương đã bước đầu mang lại kết quả đáng khích lệ.
Thời gian xử lý hồ sơ đăng ký DN giảm xuống còn 2,9 ngày đối với đăng ký thành lập mới, 2,7 ngày đối với đăng ký thay đổi, nhờ đó giảm hơn nửa triệu ngày chờ đợi cho DN. Những cải cách mạnh mẽ này đã được các tổ chức quốc tế uy tín như Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận trên các Chỉ tiêu khởi sự kinh doanh và Bảo vệ nhà đầu tư. Mới đây, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 cũng ghi nhận đăng ký thành lập DN có bước tiến lớn nhất và có số điểm cao nhất trong vòng 11 năm điều tra PCI. Những kết quả cho thấy môi trường kinh doanh đã được cải thiện nhất định khi hai luật nêu trên có hiệu lực.
Tuy đạt kết quả như trên, nhưng thực tế cũng không ít vướng mắc phát sinh trong thi hành Luật. Tuy nhiên, tính chất của các vướng mắc phát sinh chủ yếu mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ, thái độ và cách thức làm việc của các công chức, cơ quan liên quan. Đối với Luật Đầu tư (sửa đổi), do quy mô và mức độ đổi mới rất lớn, được thực hiện trên phạm vi rộng, phức tạp, liên quan nhiều văn bản pháp luật, nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, cho nên phát sinh khá nhiều vướng mắc, cụ thể: có sự khác nhau, không tương thích, không phù hợp giữa quy định của Luật Đầu tư (sửa đổi), Nghị định 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ và các luật, văn bản pháp luật liên quan khác trong thực hiện đầu tư. Những vướng mắc loại này chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, nhà ở và bất động sản, các ngành dịch vụ chưa mở hoặc mở hạn chế đối với các nhà đầu tư và DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Đó còn là vướng mắc trong tập hợp, rà soát và cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Luật Đầu tư (sửa đổi); trong việc thực hiện thủ tục, nghiệp vụ chấp thuận chủ trương, đăng ký dự án đầu tư và đăng ký DN. Những vướng mắc này thường kéo dài thời gian, phát sinh thêm yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ, thậm chí làm phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết đối với nhà đầu tư và DN. Những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện hai luật, nhất là Luật Đầu tư (sửa đổi) là khá đa dạng ở nhiều cấp độ khác nhau, làm cho một số nội dung của Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chưa được thực hiện một cách đầy đủ và nhất quán.
Mới đây, trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ bàn việc tháo gỡ những vướng mắc của hai luật này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tinh thần của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng với quyết tâm chính trị cao thực hiện nghiêm các quy định của hai luật này, không để khoảng trống pháp lý, không cầu toàn mà bắt tay ngay để thực hiện. Thủ tướng yêu cầu tinh thần cải cách đổi mới, tạo mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, ủng hộ và bảo vệ quyền kinh doanh, công khai hóa các điều kiện kinh doanh, không làm trái luật, không đẻ ra giấy phép con, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Quá trình thực hiện hai Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) phải gắn với Nghị quyết 19/NQ-CP tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Một điều quan trọng nữa là cần phải nâng cao vai trò của tổ công tác thực hiện hai luật này để tăng cường kiểm tra thực hiện, kịp thời phát hiện bất cập, vướng mắc, cửa quyền, cục bộ ở các bộ, ngành, địa phương. Bộ máy công chức phải phục vụ người dân. Việc cải cách hành chính rất tích cực, luật pháp tốt, nhưng nếu cán bộ không tốt thì sẽ cản trở quá trình phát triển.
THANH TÙNG