The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vì nụ cười của người dân

Tại hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội diễn ra cuối tuần qua, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý: “Thành phố vừa phấn khởi với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 mới tăng thêm 10 bậc, thì kết quả xếp hạng về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp vào nhóm cuối cùng, thứ 58/63 tỉnh, thành phố... Kết quả chấm điểm đưa ra cho chúng ta những tín hiệu để tự đánh giá, tự chấn chỉnh mình và phải khắc phục”.

Nếu nhìn sâu vào kết quả xếp hạng của những nội dung cấu thành PCI và PAPI như chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, quả thật dễ thấy nhiều điều đáng suy ngẫm.

Trước hết là về PCI. Với 10 chỉ số thành phần (gồm: Chi phí gia nhập thị trường; khả năng tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; cạnh tranh bình đẳng; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý) do hơn 10.000 doanh nghiệp dân doanh và 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài "chấm điểm" theo thang điểm 100, đây chính là bộ tiêu chí đánh giá một cách khách quan nhất về hiệu quả điều hành của chính quyền địa phương.

Nhìn tổng thể, dễ thấy kết quả xếp hạng PCI của Hà Nội 10 năm gần đây không ổn định, nhất là trong giai đoạn 2007 - 2012. Cụ thể: Năm 2007, được xếp thứ 57, năm 2008: 31, năm 2009: 33, năm 2010: 43, năm 2011: 36 và năm 2012: xếp thứ 51/63 địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, sự "không ổn định" những năm gần đây đang chuyển dịch theo chiều hướng tích cực về cải thiện thứ hạng: Năm 2013: Xếp thứ 33, năm 2014: 26, năm 2015: 24 và năm 2016: Xếp thứ 14/63 tỉnh, thành, lần đầu tiên lọt vào nhóm có chất lượng điều hành tốt của cả nước.

Xem xét sâu vào nội dung cụ thể càng thấy thêm nhiều trăn trở. Đơn cử như trong 10 chỉ số của PCI 2016, Hà Nội còn tới 5 chỉ số dưới trung bình của thang điểm 10. Cụ thể: Chi phí không chính thức: 4,67 điểm; thiết chế pháp lý: 4,18 điểm; tiếp cận đất đai: 4,16 điểm; tính năng động: 3,84 điểm; cạnh tranh bình đẳng: 3,76 điểm. Trong khi đó, những năm trước đây các chỉ số này của thành phố từng đã đạt được mức trên trung bình: Chi phí không chính thức từ năm 2007 đến 2012 đều trên 5,2 điểm, riêng 2008 đạt tới 6,37 điểm; thiết chế pháp lý: Năm 2011 đạt 5,8 điểm; tiếp cận đất đai năm 2013 đạt 5,34 điểm; tính năng động năm 2007 đạt 5,19 điểm... Nếu tập trung tìm cách để đưa 5 chỉ số này trở lại mức trên trung bình, khả năng cải thiện PCI của Hà Nội hoàn toàn có thể được "cộng thêm" khoảng 4,6 điểm vào tổng số 60,74 điểm của năm 2016. Khi đó, so với tỉnh Quảng Nam - đơn vị xếp thứ 10 với 61,17 điểm; hay Lào Cai - đơn vị xếp thứ 5 cả nước là 63,49 điểm, rõ ràng khát vọng đưa Hà Nội lọt vào top 10 hay top 5 địa phương có chất lượng điều hành cao nhất cả nước không phải là điều mơ mộng.

Về "mô hình" đi tới, có lẽ chỉ cần tham khảo cách làm 5 tiêu chí này của đơn vị dẫn đầu cả nước về PCI là Đà Nẵng: Chi phí không chính thức 6,51 điểm; thiết chế pháp lý: 6,47 điểm; tiếp cận đất đai 6,29 điểm; tính năng động 7,06 điểm; cạnh tranh bình đẳng: 5,45 điểm. Hoặc cũng có thể suy ngẫm từ cách gắn kết với doanh nghiệp ở Đồng Tháp - đơn vị xếp thứ 3 cả nước về PCI - với mô hình lãnh đạo tỉnh "uống cà phê cùng doanh nghiệp" để trực tiếp giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp, một cách làm mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương: "Đây là hình ảnh của người lãnh đạo rất tuyệt vời”.

Với Chỉ số PAPI - thông qua 6 "thước đo" xin ý kiến người dân đánh giá (gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; trách nhiệm giải trình với người dân; công khai, minh bạch; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công) đây chính là bộ chỉ báo về năng lực và hiệu quả quản trị. Khảo sát PAPI 2016 tiến hành quy mô lớn nhất từ trước tới nay với 14.000 người dân tham gia, nên kết quả rất đáng để dựa vào đó "soi lại mình".

Trước hết, đó là xếp hạng của thành phố năm 2016 thuộc nhóm cuối cùng với 33,81 điểm và thứ hạng 58/63 tỉnh, thành. Thứ nữa là tốc độ chậm cải thiện của các chỉ số: 3 - 4 năm gần đây cả 6 chỉ số về nội dung của Hà Nội gần như chững lại ở mức trung bình và tụt dốc. Trong năm 2016, PAPI của Hà Nội vẫn còn 2 chỉ số vẫn tiếp tục đi xuống: Chỉ số công khai, minh bạch giảm từ 5,22 xuống 5,08 điểm; trách nhiệm giải trình với người dân: Giảm từ 5,58 xuống còn 4,26 điểm.

So với Cần Thơ - một thành phố cũng thuộc Trung ương có PAPI 2016 cao nhất nước, khoảng cách nhiều chỉ số của Hà Nội còn ở mức độ khá xa (chỉ số điểm tham gia của người dân ở cấp cơ sở tương ứng 2 địa phương là 5,34 và 6,81; trách nhiệm giải trình với người dân: 4,26 - 5,97; công khai, minh bạch: 5,08 - 6,49; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công: 5,24 - 7,14; thủ tục hành chính công: 7,09 - 7,67; cung ứng dịch vụ công: 6,80 - 8,03).

* * *

Nhà nước của ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Bởi thế, việc đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu, lợi ích của nhân dân là tiêu chí số một để đánh giá hiệu quả năng lực hoạt động của Nhà nước.

Những nỗ lực không ngừng về cải cách hành chính của thành phố thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả to lớn và rõ nét được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao, coi Hà Nội là điểm đến của đầu tư. Cùng với TP Hồ Chí Minh (vị trí số 2), Hà Nội lọt vào vị trí số 8 của "10 thành phố năng động nhất thế giới năm 2017" theo xếp hạng của Tập đoàn Jones Lang LaSalle (hoạt động tại hơn 80 quốc gia trên thế giới). Tuy vậy, trong thực tế, như Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải lưu ý "vẫn còn tình trạng ở sở, ngành, quận, huyện gây khó dễ, không coi thành công của doanh nghiệp là thành công của chính mình".

Với Quyết định số 2041/QĐ-UBND ngày 31-3-2017, thành phố chính thức khẳng định quyết tâm đưa vị trí xếp hạng các chỉ số PCI, PAPI vào nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước. Rất nhiều giải pháp, chỉ tiêu cũng được đưa ra để bảo đảm mục tiêu này trở thành hiện thực.

Những chuyển động mạnh mẽ và liên tục của thành phố quyết tâm cải cách hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là minh chứng sâu sắc cho hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp trong hành trình tiến tới giá trị mới: Coi thành công và niềm vui của người dân như thành công và niềm vui của mình.

Giá trị mang hình ảnh nhân văn: Vì nụ cười của người dân!

Long Hà