The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vì sao Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục tụt hạng chỉ số năng lực cạnh tranh

PCI là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ tổ chức đánh giá thường niên. Chỉ số PCI là kết quả lấy phiếu đánh giá bí mật của các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành đối với hoạt động của các cơ quan công quyền, trên cơ sở 10 chỉ số thành phần gồm: chỉ số gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và cạnh tranh bình đẳng. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, PCI giúp xác định và so sánh chất lượng môi trường kinh doanh tại các địa phương. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng sử dụng dữ liệu PCI như nguồn thông tin có giá trị cho việc xem xét, đưa ra quyết định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư tại các địa phương.
Một thực tế cần phải thẳng thắn nhìn nhận là kể từ khi nền kinh tế lâm vào khó khăn thì thứ hạng trong bảng tổng sắp PCI của BR-VT liên tục sụt giảm. Kết thúc năm 2012, PCI của BR-VT giảm đến 15 bậc; và đến năm 2013, PCI của tỉnh lại tiếp tục giảm thêm 18 bậc. Về điểm số PCI, năm 2012 BR-VT đạt 59,14 điểm, so với năm 2011 giảm 6,99 điểm. Trong 9 chỉ số thành phần thì BR-VT bị giảm điểm đến đến 6 chỉ số. Đến năm 2013, điểm số PCI của BR-VT là 56,99 điểm, giảm 2,15 điểm so với năm 2012, và cũng có đến 4 chỉ số thành phần bị giảm điểm. Đó là chỉ số tính minh bạch đạt 5,7 điểm, xếp hạng 35; chỉ số chi phí gia nhập thị trường đạt 7,25 điểm, xếp hạng 46 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; đặc biệt, chỉ số tiếp cận đất đai chỉ đạt 5,31 điểm, xếp hạng 63. Riêng chỉ số cạnh tranh bình đẳng là chỉ số mới được bổ sung năm 2013 chỉ đạt 4,09 điểm, xếp hạng 58.
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến chỉ số tiếp cận đất đai "đội sổ", ông Lê Hoàng Hải, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch – Đầu tư cho rằng: "Theo báo cáo PCI, nhiều doanh nghiệp đánh giá việc tiếp cận đất đai để phục vụ sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro khi bị thu hồi đất cao, khi bị thu hồi đất thì doanh nghiệp lo ngại không được bồi thường thỏa đáng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chưa hài lòng về chất lượng cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai và cho rằng việc thực hiện các thủ tục còn gặp khó khăn, thủ tục hành chính rườm rà."
Theo kết quả kiểm tra thủ tục hành chính năm 2013, thực tế vẫn còn tồn tại những dự án chậm triển khai trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp lập dự án, nhận đất nhưng chưa thực hiện đền bù, giải tỏa, năng lực kém, dẫn đến việc những nhà đầu tư có năng lực lại không có cơ hội tiếp cận đất đai. Bên cạnh đó, một số thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai vẫn còn giải quyết quá thời hạn, thời gian kéo dài hơn so với quy định. Đây cũng là một trong những nguyên nhân rất lớn, ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, như nhận định của ông Sầm Văn Mão – Phó Giám đốc Sở Nội vụ: "Đoàn kiểm tra cải cách hành chính của tỉnh đã kiểm tra rất nhiều Sở, ngành, đặc biệt là những sở có liên quan đến chỉ số PCI. Qua quá trình kiểm tra đã phát hiện được một số nơi công chức thực thi công vụ yêu cầu thêm một số thủ tục. Tuy đây là vấn đề cá biệt nhưng cũng làm ảnh hưởng đến sự phiền lòng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là vấn đề kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính, cũng không phải là phổ biến, song cũng có một số nơi người ta nói lý do là cần thời gian để xác minh. Trong quá trình xác minh đối với những trường hợp hồ sơ khó khăn, nhưng lại không phản hồi thông tin đó cho doanh nghiệp, hoặc giải quyết trễ nhưng không có thư xin lỗi, hoặc không có hành động gì để giải tỏa những vướn mắc đối với doanh nghiệp, cho nên người dân rất bức xúc."
Về chỉ số tính năng động có 6 tiêu chí đánh giá, trong đó có vai trò của lãnh đạo tỉnh, những người đứng đầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp. Năm 2013 chỉ số này của tỉnh đạt 4,4 điểm, xếp hạng 52/63 tỉnh, thành. Nguyên nhân dẫn đến chỉ số năng động sụt giảm chủ yếu là do cảm nhận của doanh nghiệp về thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân thấp, nhiều doanh nghiệp cho rằng có những chủ trương, ý kiến hay của lãnh đạo tỉnh nhưng chưa được thực hiện tốt bởi các Sở, ngành và các huyện, thành phố. Lý giải về điều này, bà Bùi Thị Dung – Giám đốc Sở Công thương cho rằng: "Về chỉ số năng động, cũng phải thừa nhận rằng tỉnh BR-VT có hoạt động sản xuất kinh doanh rất sôi động, nên việc áp dụng các chính sách, chế độ cũng đòi hỏi phải linh hoạt hơn. Tuy nhiên việc áp dụng các chính sách, chế độ linh hoạt thì một số chính sách, chế độ từ TW lại không có độ "mở", nghĩa là không cho phép tỉnh được "mở" ra trong quá trình vận dụng, chủ yếu liên quan đến chính sách đất đai và chính sách tiền thuê đất, tiền giao đất. Trong khi các doanh nghiệp lại không hiểu được điều này, do vậy cho rằng tính năng động của tỉnh không có."
Cũng phải nhìn nhận rằng, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, BR-VT đang thực hiện mục tiêu đổi mới trong thu hút đầu tư, tức là chú trọng nhiều đến chất lượng dự án thay vì số lượng như trước đây. Vì thế, có những doanh nghiệp nằm trong danh mục thu hút đầu tư nhưng có nguy cơ gây ô nhiễm cao sẽ không được chấp nhận. Điều này phần nào cũng làm ảnh hưởng đến chỉ số PCI trong 2 năm gần đây của tỉnh. Đối với việc tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng cho nhà đầu tư đến với BR-VT, Sở Công thương đã nhiều lần kiến nghị với Trung ương nhằm tạo độ "mở" trong việc xử lý các chính sách đầu tư tại tỉnh. Song khó khăn ở đây là nếu "mở" với BR-VT thì cũng phải "mở" với những tỉnh, thành khác, điều này vô hình chung sẽ làm rối chính sách. Theo bà Bùi Thị Dung – Giám đốc Sở Công thương, giải pháp để tháo gỡ khó khăn đó là: "Tỉnh phải tự tạo chính sách bằng cách hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Tức là tỉnh phải nắm bắt được những khó khăn của doanh nghiệp để có những hỗ trợ kịp thời."
Chỉ số cạnh tranh bình đẳng là chỉ số mới được bổ sung để đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong năm 2013, gồm có 14 chỉ tiêu đánh giá mức độ ưu ái trong việc tiếp cận các nguồn lực của Nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, hoặc doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp khu vực tư nhân. Chỉ số này năm 2013 đạt 4,09 điểm, xếp hạng 58/63 tỉnh, thành. Nguyên nhân dẫn đến chỉ số cạnh tranh bình đẳng có điểm số và thứ hạng thấp chủ yếu là do nhiều doanh nghiệp cho rằng tỉnh ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai, tín dụng; ưu tiên giải quyết thủ tục hành chính, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đó cũng là nhận định thẳng thắn của bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Vũng Tàu. Bà Hà cho rằng: "Tôi nghĩ cảm nhận của doanh nghiệp về điều này là đúng. Chúng ta vẫn còn phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI. Còn khu vực kinh tế tư nhân là khu vực mà đáng lẽ ra lãnh đạo từ TW đến cấp tỉnh, thành đều phải ưu tiên để hỗ trợ, giúp đỡ thì lại bỏ qua, không có một chính sách nào cụ thể và người ta cảm nhận rằng việc họ có thể tiếp cận các nguồn lực của Nhà nước rất hạn chế, kể cả thông tin. Họ cảm thấy họ rất đơn độc, từ đó gây ra khó khăn, trở ngại cho hoạt động của các doanh nghiệp trong khu vực dân doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ."
Cũng theo ý kiến của bà Vũ Thị Thu Hà, giải pháp để nâng cao chỉ số này là lãnh đạo tỉnh cần quan tâm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế dân doanh mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này sẽ góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng. Đây là con đường xóa đói giảm nghèo bền vững nhất; nhận thức được điều này thì sẽ làm chuyển biến trong nhận thức của cả xã hội, tạo ra một hậu phương vững chắc cho những người chủ doanh nghiệp, những người "lính" trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Chỉ số PCI được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố hàng năm đang ngày càng trở nên hữu ích đối với cả doanh nghiệp và chính quyền các cấp. PCI vừa là thước đo quan trọng để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh, mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các địa phương. Nhưng quan trọng hơn, các chỉ số thành phần của PCI đã giúp chính quyền địa phương dễ dàng nhận ra những điểm mạnh điểm yếu trong công tác điều hành để có những điều chỉnh, sửa đổi phù hợp. BR-VT cũng đang "dốc sức" nhằm cải thiện tốt nhất môi trường đầu tư – kinh doanh, tạo tiền đề quan trọng cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng BR-VT trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hải sản của cả nước và khu vực.

Thùy Linh

Theo Đài Phát Thanh - Truyền Hình Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngày 23/08/2014