The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vì sao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Trị giảm sút?

Năm 2011, PCI của tỉnh Quảng Trị xếp thứ 13, thuộc nhóm "Tốt". Đến năm 2012, thứ hạng đó giảm xuống còn 37, thuộc nhóm "Khá". Năm 2013, Quảng Trị xếp vị trí 58/63 tỉnh thành, giảm 21 bậc so với năm 2012 và thuộc nhóm "Thấp". Tính riêng 12 tỉnh thuộc khu vực Duyên hải miền Trung, Quảng Trị đứng ở vị trí cuối cùng. Tại sao PCI của tỉnh lại tụt dốc? Nghiên cứu chỉ số thành phần của PCI và ý kiến các doanh nghiệp trên địa bàn, phần nào có thể trả lời câu hỏi này.
Công tác cải cách hành chính chưa phát huy hiệu quả
Theo kết quả khảo sát PCI năm 2013, điểm số chỉ số thành phần Gia nhập thị trường của Quảng Trị chỉ đạt 7,25 điểm, đứng ở vị trí 45/63 tỉnh thành. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế này là thời gian chờ đợi để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tỉnh quá dài. Năm 2013, con số này lên đến 90 ngày, tăng đáng kể so với 30 ngày (năm 2012). Tỉ lệ doanh nghiệp phải chờ hơn 3 tháng để hoàn thành mọi thủ tục và chính thức đi vào hoạt động chiếm hơn 7%. Theo các đơn vị từng thực hiện thủ tục đăng ký hoặc thay đổi đăng ký doanh nghiệp, hoạt động của bộ phận một cửa còn nhiều bất cập.
Hầu hết các doanh nghiệp chưa đánh giá cao công tác cải cách hành chính trên địa bàn. Xét chỉ số thành phần Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước, Quảng Trị đứng vị trí 47/63. Theo các doanh nghiệp, họ phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện những quy định. Thời gian thanh tra, kiểm tra thuế của doanh nghiệp vào năm 2013 tăng lên tới 24 giờ, gấp 6 lần so với năm trước đó. Tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó, chi phí không chính thức cũng tăng một cách đáng quan ngại. Được biết, chi phí không chính thức năm 2011 là 45%, tăng lên đạt 60% năm 2012 và ở mức 69% năm 2013. Tương tự, tỉ lệ doanh nghiệp cho biết hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục tăng khá nhanh: 35% (năm 2010), 53% (năm 2011) và 60% (năm 2013).
Năm qua, chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh đạt 6,40 điểm, đứng ở vị trí 47/63 tỉnh thành trong cả nước. Chỉ số này vốn có sự cải thiện vào năm 2011 nhưng lại giảm sút trong 2 năm gần đây. Theo các doanh nghiệp, khó khăn chung của họ là: Mặt bằng kinh doanh không ổn định, chi phí thuê mặt bằng khá cao, giá thuê đất tăng quá nhanh... Một thực tế khác là gần 1/3 các doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ sự lo ngại về thủ tục hành chính rườm rà hoặc cán bộ nhũng nhiễu. Thế nên, dù có nhu cầu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng họ vẫn không làm.
Cần củng cố lòng tin cho doanh nghiệp
Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy doanh nghiệp trên địa bàn hiện đang băn khoăn về tính minh bạch trong môi trường đầu tư. Điểm số và thứ hạng của chỉ số Tính minh bạch còn thấp (đạt 5,4 điểm, đứng thứ 45/63 tỉnh thành). Các doanh nghiệp đánh giá việc tiếp cận tài liệu quy hoạch và pháp lý của tỉnh có chiều hướng khó hơn trong 2 năm trở lại đây. 64% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, cần có "mối quan hệ" mới tiếp cận dễ dàng với tài liệu phục vụ hoạt động.
Điểm chỉ số thành phần Tính năng động năm 2013 của tỉnh Quảng Trị đứng thứ 53/63 tỉnh thành. Kết quả chỉ số thành phần này chưa tốt là vì xu hướng giảm dần của một số chỉ tiêu liên quan đến tính năng động, sáng tạo của cán bộ địa phương. Nhiều doanh nghiệp nhận định, phản ứng của tỉnh khi có điểm chưa rõ trong chính sách, văn bản của trung ương là "trì hoãn thực hiện", "xin ý kiến chỉ đạo" hoặc "không làm gì".
Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp cho rằng việc thực thi các chủ trương, chính sách của UBND tỉnh ở cấp sở, ban, ngành và huyện, thị thành phố chưa tốt. 53% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, lãnh đạo cấp tỉnh có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng cấp huyện chưa thực hiện tốt.
Cũng xoay quanh vấn đề lòng tin, nhiều doanh nghiệp chưa đặt trọn niềm tin vào hệ thống pháp luật và thủ tục giải quyết của tòa án. Vỏn vẹn 20% doanh nghiệp trên địa bàn cho rằng, hệ thống pháp luật sẽ có cơ chế giúp doanh nghiệp tố cáo hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, chỉ 51,9% doanh nghiệp khẳng định tòa án các cấp của tỉnh xử các vụ kiện kinh tế nhanh chóng. Thực tế đó khiến chỉ số Thiết chế pháp lý tỉnh nhà chỉ đạt 4,66 điểm (năm 2013), xếp thứ hạng 55/63.
Vừa qua, PCI bổ sung thêm chỉ số thành phần Cạnh tranh bình đẳng nhằm đo lường cảm nhận của doanh nghiệp dân doanh về chính sách của tỉnh đối với họ trong mối tương quan với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp thân hữu. Theo đó, cán cân chính sách của tỉnh hiện nghiêng nhiều hơn về phía doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp thân hữu. Chính quyền địa phương cũng thường ưu tiên giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp nước ngoài hơn là doanh nghiệp trong nước. Hợp đồng, đất đai và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền địa phương. Có đến 96% doanh nghiệp trên địa bàn cho biết sự ưu đãi với các công ty lớn là trở ngại cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dân doanh.
Trong năm 2013, hai chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và Đào tạo lao động được cải thiện, song chưa cao. Tỉnh đạt thứ hạng 49/63 ở chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Về chỉ số thành phần Đào tạo lao động, địa phương có vị trí 34/63. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự yên tâm với chất lượng giáo dục phổ thông và dạy nghề tại tỉnh. Kết quả khảo sát năm 2013 cho thấy chỉ 48% doanh nghiệp đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông tại tỉnh là tốt hoặc rất tốt. Tương tự, chỉ 30% doanh nghiệp đánh giá tốt chất lượng giáo dục dạy nghề.
Để lọt vào tốp "Khá" cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả
Vai trò của PCI là giúp các tỉnh xác định điểm mạnh trong công tác điều hành nền kinh tế cũng như những lĩnh vực cần cải thiện để làm thay đổi diện mạo môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc đều tập trung áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời và hiệu quả nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số này.
Xuất phát từ thực tiễn, thiết nghĩ trước tiên tỉnh Quảng Trị cần thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc về cải thiện, nâng cao PCI của tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Chính quyền tỉnh cũng cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính; thực hiện tốt mô hình một cửa, một cửa liên thông; rà soát để giảm thiểu các thủ tục không cần thiết; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, tỉnh nên có những quy định nhằm giảm thời gian thanh tra, kiểm tra; rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh, cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư...
Một công việc cần làm ngay là thực hiện việc công bố các thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra, địa phương nên có các giải pháp nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức trong công việc của cán bộ, công chức; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị địa phương trong việc giải quyết kiến nghị, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp; chủ động tổ chức đối thoại giữa chính quyền với các doanh nghiệp; khắc phục tình trạng nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra cùng tiến hành tại một thời điểm, ở một doanh nghiệp...
Về vấn đề tiếp cận đất đai, tỉnh Quảng Trị cần kiện toàn và thống nhất công tác quản lý đất đai trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai; rút ngắn thời gian làm thủ tục cho nhà đầu tư; quy hoạch và bố trí ngân sách hợp lý cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng các khu kinh tế, khu cụm công nghiệp...
Để cải thiện môi trường đầu tư, cần công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, thủ tục hành chính, các quy hoạch, kế hoạch... để doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận. Có cơ chế kiểm tra, giám sát các bộ phận liên quan đến việc giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời đẩy mạnh các giải pháp phòng chống tham nhũng; có thống kê, báo cáo định kỳ về việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính. Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục tập trung đào tạo lao động, xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch.
Năm 2014 – 2015, chính quyền tỉnh Quảng Trị đưa ra mục tiêu phấn đấu đưa địa phương lọt vào tốp "Khá" về chỉ số PCI của cả nước. Tiếp đó, giai đoạn năm 2016 – 2020 phấn đấu đưa tỉnh vào tốp 20 – 25 tỉnh dẫn đầu về chỉ số PCI. Mục tiêu ấy hoàn toàn có thể đạt được nếu tỉnh nhìn nhận rõ thực tế và áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời.

Nguồn: baoquangtri.vn

Ngày 18/08/2014