The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vì sao Điện Biên “không trải thảm mọi con đường”?

Đã gần 18h ngày 30/12/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn vẫn mời các doanh nhân “có bức xúc gì cứ nói”...

Thành phố Điện Biên, đã gần 18h ngày 30/12/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn vẫn mời các doanh nhân “có bức xúc gì cứ nói, nêu được cụ thể địa chỉ của những vướng mắc, khó khăn thì càng tốt”.
Trước đó, trong cả một ngày, các vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh, các sở, ban ngành cùng các doanh nhân đã cùng nghe tinh thần của Chính phủ kiến tạo, về những mạnh - yếu trong năng lực cạnh tranh của Điện Biên....
Vì thế, đến sập tối, phần đối thoại với các doanh nhân mới kết thúc. Đây cũng là buổi đối thoại thứ hai của Điện Biên kể từ sau cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nhân trên cả nước.
Lắng nghe dù không dễ nghe
Ngay từ khi mới kiện toàn, Chính phủ liên tục truyền đi thông điệp mạnh mẽ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, đặt mục tiêu 4 năm tới, số doanh nghiệp thành lập mới bằng 30 năm trước - 500 nghìn doanh nghiệp. Các địa phương, đương nhiên không thể thờ ơ với phát triển doanh nghiệp, và Điện Biên cũng không phải ngoại lệ.
Thế nên, lãnh đạo tỉnh không chỉ lắng nghe tiếng nói từ doanh nghiệp có mặt.
Bóc tách kết quả khảo sát doanh nghiệp Điện Biên trong nghiên cứu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn đã nhắc lại những thông tin không mấy dễ nghe.
Đó là, 53% doanh nghiệp tỉnh nghèo này than phiền có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được do thủ tục hành chính rườm rà. Trong số lý do cụ thể khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, 30% doanh nghiệp cho biết không được cán bộ hướng đầy đủ.
72% doanh nghiệp phải chi các chi phí chính thức. 69% doanh nghiệp cho biết nhũng nhiễu là phổ biến. 53% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh. 89% doanh nghiệp cho rằng cần có mối “quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh...
Năm 2015, chỉ có khoảng 45% doanh nghiệp Điện Biên nghĩ tới việc mở rộng kế hoạch kinh doanh trong hai năm tới. Mức này dù tăng mạnh so với năm 2012 (29%), nhưng lại giảm khá nhiều so với tỷ lệ 84% vào năm 2006, ông Tuấn cho biết.
Với những hạn chế nói trên, Điện Biên đứng thứ 53/63 tỉnh thành, thuộc nhóm xếp hạng trung bình.
Không trải thảm mọi con đường
Nhưng, thách thức trong phát triển doanh nghiệp của Điện Biên không chỉ nằm ở PCI, ở số lượng doanh nghiệp trong tỉnh quá ít (hơn 1000), quy mô nhỏ, mà còn ở chính góc nhìn của doanh nhân về sự phát triển của chính doanh nghiệp của họ, cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh.
Ít, song các doanh nghiệp ở tỉnh lại tập trung nhiều trong lĩnh vực khai khoáng, xây dựng, hoạt động dựa khá nhiều vào “bầu sữa” ngân sách, và khi đầu tư công được siết, khó khăn đương nhiên khó tránh.
Tại cuộc đối thoại, trong hội trường và ngoài hành lang, ý kiến khen - chê đều có cả. Có doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi cho biết, khi đến Điện Biên mọi thủ tục đều nhanh gọn, thuận lợi. Vị này cũng góp ý với các doanh nghiệp là khi làm việc với cơ quan Nhà nước cần phải có hồ sơ đầy đủ, vì thực tế cũng không hiếm trường hợp chỉ mới nghe thông tin sơ qua về một dự án nào đó đã đến xin “giữ chỗ”.
Cũng có ý kiến than phiền về việc tỉnh chưa mặn mà trong thu hút đầu tư, song Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nói, Điện Biên dù xác định đồng hành với doanh nghiệp cả khi thành công lẫn lúc thất bại, nhưng không trải thảm mọi con đường, vì có những lĩnh vực không nhất thiết phải kêu gọi đầu tư.
Đồng tình quan điểm này, Chủ tịch tỉnh Mùa A Sơn nói, một số lĩnh vực tỉnh không có ưu thế, dự án ảnh hưởng đến tài nguyên và đặc biệt là môi trường thì không thể trải thảm. Du lịch và nông nghiệp an toàn là những lĩnh vực được Điện Biên đặc biệt quan tâm.
Cái khó nữa không hề nhỏ trong phát triển của Điện Biên là vai trò quá mờ nhạt của các hiệp hội doanh nghiệp. Đến nay tỉnh chưa có hiệp hội doanh nghiệp chung mà chỉ có hội doanh nhân trẻ và hội doanh nhân cựu chiến binh. Trong khi ở các địa phương khác, hoạt động của hội doanh nhân trẻ rất mạnh thì ở đây số hội viên cứ vơi dần, từ hơn 100 hiện còn hơn 40 người.
Quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, bị động trước sự biến động của thị trường, nhưng doanh nhân Điện Biên lại rất thiếu sự liên kết, điều rất cần cho phát triển.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô, trong buổi đối thoại đã khuyến nghị doanh nghiệp kịp thời cơ cấu lại mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng giảm dần các hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Như vậy, áp lực phát triển doanh nghiệp không chỉ dồn vào cơ quan Nhà nước, mà chính các doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi.
Nguyên Vũ