Vì sao doanh nghiệp ngán tòa?
Ngoài tâm lý e ngại “đáo tụng đình”, quả thực có những lý do khách quan khiến các doanh nghiệp từ chối chọn phương thức giải quyết tranh chấp tại tòa án.
Thông tin từ một cuộc hội thảo do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hồi cuối tháng 7 tại Hà Nội cho biết, mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 100.000 doanh nghiệp mới, chưa kể hàng trăm ngàn hộ kinh doanh; do đó, số giao dịch kinh doanh thương mại đang gia tăng rất mạnh.
Mặc dù số vụ tranh chấp kinh tế được giải quyết tại tòa án những năm gần đây cũng rất lớn (giai đoạn 2006 - 2013 tăng 33%/năm), song từ năm 2013 đến năm 2016 đang có chiều hướng giảm dần.
Lo ngại về tính liêm chính
Về mức độ sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp kinh tế, doanh nghiệp tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội tỏ ra kém sẵn sàng hơn nhiều so với các địa phương khác. Xu hướng này khá nhất quán với kết quả khảo sát về “sử dụng quan hệ để tiếp cận thông tin”.
“Ở đâu doanh nghiệp cho rằng cần sử dụng quan hệ để tiếp cận thông tin thì ở đó mức độ sẵn sàng sử dụng tòa án khá thấp” - ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhận định.
Tương tự, tỷ lệ tin tưởng vào kết quả giải quyết của tòa án cũng giảm nhẹ (UNDP cho biết, con số cụ thể sẽ sớm được công bố khi nghiên cứu về vấn đề này hoàn tất). Chỉ có 31% số doanh nghiệp được hỏi tin tưởng vào hiệu quả của cơ chế tố cáo tham nhũng….
Đáng lưu ý, kết quả khảo sát chọn mẫu hơn 10.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước do VCCI tiến hành hàng năm cho thấy, số doanh nghiệp đã từng “đáo tụng đình” (chỉ chiếm chưa tới 10% tổng số doanh nghiệp) có nhận định kém lạc quan hơn nhiều so với các doanh nghiệp chưa từng sử dụng cơ chế tòa án để giải quyết tranh chấp, cả về thời hạn, chất lượng giải quyết (đúng luật, phán quyết công bằng) và chi phí hợp lý.
Cũng trong nhóm doanh nghiệp đã có trải nghiệm tại tòa án, tỷ lệ cho rằng “sử dụng các kênh không chính thức khác hiệu quả hơn so với sử dụng tòa án” cũng cao hơn nhóm chưa từng “đáo tụng đình”.
Đối với những doanh nghiệp đang có tranh chấp, khi được hỏi có ý định sử dụng tòa án hay không, xu hướng lựa chọn tòa án (bên cạnh nhiều hình thức khác như trọng tài kinh tế, sử dụng truyền thông hoặc các mối quan hệ riêng để gây sức ép, sử dụng dịch vụ đòi nợ…) cũng giảm dần theo từng năm từ 2013 đến năm 2016.
Lý do phổ biến khiến các doanh nghiệp không chọn tòa án (sắp xếp theo mức độ giảm dần) là có thể chọn phương thức phù hợp hơn, thời gian xử lý tại tòa án quá dài, tình trạng chạy án khá phổ biến, trình độ năng lực của cán bộ tòa án hạn chế và có nguy cơ lộ bí mật kinh doanh.
Chưa thể yên tâm đầu tư kinh doanh
Xâu chuỗi những số liệu thống kê này, chuyên gia VCCI cho rằng, có cơ sở cho thấy mức độ tin tưởng vào tính liêm chính của Tòa án đang giảm sút và đây là một dấu hiệu đáng quan ngại sâu sắc về mức độ lành mạnh của môi trường kinh doanh và tính minh bạch của xã hội nói chung.
“Với những tranh chấp đen trắng rõ ràng mà doanh nghiệp phải mất 3 đến 5 năm thì quá sợ!” - chuyên gia VCCI chia sẻ.
Công nhận thực tế này, một vị nguyên lãnh đạo Tòa án tối cao cho hay, lương trung bình của thẩm phán sơ cấp hiện nay chỉ khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, nghĩa là tương đương một công nhân bậc thấp trong thị trường lao động, nhưng lại là người cầm cân nảy mực những hợp đồng, giao dịch có thể trị giá tới hàng trăm triệu đô la! Thật khó để “dưỡng liêm” - ông than thở.
Qua chia sẻ của vị “quan tòa” kỳ cựu, không khó để nhận thấy có vô số cách thức để đình hoãn, kéo dài thời gian một vụ xét xử. Từ giai đoạn nhận đơn (như bắt cung cấp xác nhận đăng ký kinh doanh mới nhất, xác nhận địa điểm của bị đơn) đến giai đoạn chuẩn bị xét xử (như quyết định đình chỉ vụ án bằng những lý do kỹ thuật như bị đơn không nhận văn bản tống đạt, dàn xếp ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ bế tắc), đến giai đoạn xét xử (bỏ qua, không xem xét tài liệu chứng cứ, gặp gỡ tư vấn); thậm chí kể cả khi bản án có hiệu lực pháp luật rồi nhưng bị kháng nghị, giám đốc thẩm không chính xác… Và thế là để được việc thì ai cũng hiểu phải làm gì!
Trong một động thái tích cực, ngày 18/7, Tòa án Nhân dân tối cao đã tổ chức khai trương Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án; mở ra một cơ chế hữu hiệu để nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của Tòa án. Nhưng hẳn là hành trình hướng đến mục tiêu cải cách tư pháp, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh nói chung và xử lý án kinh tế nói riêng nhanh chóng, công bằng, đúng pháp luật có thể còn rất dài.
Chẳng thế mà một luật sư nổi tiếng tiết lộ nghệ thuật hành nghề của ông “đơn giản là làm cho cả thân chủ lẫn đối tác đang có tranh chấp với họ hiểu rõ mức độ phức tạp và rủi ro của hệ thống tư pháp để e ngại và phải nhanh chóng thống nhất giải pháp khi đàm phán”.
Tất nhiên, vẫn còn những phương thức khác để giải quyết tranh chấp kinh doanh ngoài tòa án. Thế nhưng khi cực chẳng đã phải đưa nhau ra tòa thì doanh nghiệp có quyền trông đợi một phán xét đúng pháp luật, công tâm và nhanh chóng nhất có thể.
Nếu không làm được như vậy, môi trường kinh doanh đó không thể gọi là tốt và không thể khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư, đổi mới sáng tạo, giao kết hợp đồng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.