The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vì sao ngành khoáng sản kém minh bạch?

Là một trong những ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng, đóng góp lớn cho ngân sách và GDP với sản lượng khai thác các nguồn lực khoáng sản rất lớn, song ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức, đòi hỏi phải cơ cấu lại hệ thống quản trị trong ngành.

Vì sao ngành khoáng sản kém minh bạch?

Cơ chế quản lý cấp phép khai thác khoáng sản lỏng lẻo, thiếu công khai, minh bạch

Một trong những tồn tại lớn nhất của ngành công nghiệp khai khoáng hiện nay là vấn đề cấp phép cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động khai thác tài nguyên. Theo bà Nguyễn Thanh Thủy, đại diện Liên minh Khoáng sản, Luật Khoáng sản 2010 quy định hai hình thức cấp phép là đấu giá và không đấu giá, nhưng các tiêu chí để xác định khu vực không đấu giá và tiêu chí lựa chọn DN qua đấu giá không rõ ràng, khiến việc lựa chọn không đạt mục tiêu là DN đảm bảo đủ năng lực để khai thác.

Ngoài ra, do chính sách hiện nay không yêu cầu công khai quá trình cấp phép từ thông tin DN đăng ký cấp phép cho đến các DN được lựa chọn cấp phép. Chính vì vậy, mức độ minh bạch trong quá trình cấp phép rất hạn chế và thiếu tính cạnh tranh. Điều này dẫn tới thực trạng DN phải trả nhiều chi phí không chính thức để có được giấy phép khai thác.

Bà Thủy dẫn số liệu điều tra, khảo sát của nhiều cơ quan, tổ chức, trong đó có báo chí cho thấy, có DN cho biết phải trả không dưới 1 tỷ đồng đề có được giấy phép khai thác đá với trữ lượng trung bình. Đáng chú ý, tổng chi phí là trên 1 tỷ đồng, song theo hóa đơn, chứng từ nộp vào ngân sách nhà nước chỉ có hơn 100 triệu đồng.

“Điều này cho thấy, tệ nạn trốn thuế và nhũng nhiễu trong cấp phép khai thác khoáng sản là khá nghiêm trọng, gây thất thoát ngân sách nhà nước, trong khi nguồn tài nguyên bị khai thác một cách thiếu quản lý do lựa chọn DN thiếu năng lực, cấp phép không đúng tiêu chuẩn quy trình”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nói.

Trên thực tế, lỗi không chỉ ở phía các DN khi phải thường xuyên chung chi ngầm để có được giấy phép khai thác khoáng sản. Cơ chế quản lý cấp phép lỏng lẻo, thiếu công khai, minh bạch đã tạo ra hệ lụy này, vừa làm thất thoát nguồn tài nguyên, ảnh hưởng xấu đến cơ sở hạ tầng, vừa gây khó khăn cho các DN khi nhiều chi phí không hạch toán được. Theo ông Đậu Anh Tuấn, điều này giải thích lý do tại sao phần lớn các DN khai khoáng đánh giá thấp về mức độ minh bạch trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát của VCCI, có 72% DN khai khoáng thừa nhận, phải dựa vào mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận thông tin tài liệu; có 85% DN thường xuyên phải chi trả các khoản tiền không chính thức trong quá trình hoạt động; đặc biệt có 16% DN cho biết, các khoản chi trả không chính thức chiếm trên 10% tổng thu nhập của DN.

Bên cạnh đó, phản ánh của các DN khoáng sản cho thấy, thuế, phí tài nguyên quá cao và chính sách thay đổi quá nhanh, gây khó khăn cho DN.

Ông Nguyễn Thành Sơn, đại diện Công ty New Technology Solution cho biết, theo thống kê trong vòng 7 - 8 năm qua, thuế, phí đã tăng hơn 267%, cao hơn nhiều so với dự đoán và kế hoạch của các DN, do đó ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh và đầu tư của DN.

Trường hợp của CTCP Đầu tư Khoáng sản An Thông - một DN thuộc Tập đoàn Hòa Phát, năm 2014 đã phải xin trả lại hai giấy phép khai thác các mỏ quặng sắt Tùng Bá và mỏ tại khu Cao Vinh - Khuôn Làng (tỉnh Hà Giang) vốn đã khai thác từ 5 - 6 năm trước vì lý do chi phí khai thác quá cao, trong khi giá bán quặng ở mức thấp vì chất lượng không đảm bảo yêu cầu. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy, DN khai khoáng khó có thể trụ nổi trong tình cảnh khó khăn cả về thị trường và cơ chế, chính sách.

Trước thực trạng này, Ban Pháp chế VCCI khuyến nghị tham gia Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI), đặc biệt là công khai thông tin nhằm tạo dựng cơ chế quản trị minh bạch, lấp những lỗ hổng về luật pháp, đồng thời tăng cường sự giám sát trong khai thác khoáng sản.

Một vấn đề đặt ra hiện nay là năng lực báo cáo của DN cũng như năng lực thực hiện báo cáo theo yêu cầu minh bạch của EITI còn rất hạn chế bởi phần lớn các DN khai khoáng Việt Nam đều có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, theo Liên minh Khoáng sản, EITI chủ yếu yêu cầu báo cáo đối với các DN đủ lớn, mà đóng góp của những DN này chiếm trên 90% tổng thu nhân sách từ lĩnh vực khoáng sản.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có trên 90% số thuế thu nộp ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản là từ 5 tập đoàn nhà nước, trong đó có TKV, Vinachem, PVN. Xét trong lĩnh vực này, đa số các DN lớn đều đã tham gia niêm yết trên sàn chứng khoán và phải thực hiện các nghĩa vụ báo cáo công khai tài chính.

“Các tập đoàn và DNNN chỉ cần thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch thông tin theo đúng quy định của Nhà nước hiện nay là có thể đáp ứng được yêu cầu minh bạch quản trị theo sáng kiến EITI”, bà Nguyễn Thanh Thủy nhấn mạnh.

Hiếu Minh

Tin Nhanh Chứng Khoán