Vì sao PCI Bình Phước lao dốc?
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xây dựng trên cơ sở khảo sát, đánh giá ý kiến của các doanh nghiệp. Chỉ số này phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh trong việc thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Vì vậy, PCI là công cụ quan trọng để họ nói lên tiếng nói và yêu cầu của mình đối với chính quyền. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, PCI của Bình Phước chẳng những không được cải thiện theo hướng tốt hơn, mà liên tục tụt giảm, nguyên nhân vì sao. Và mong rằng bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc tìm ra lời đáp cho câu hỏi này.
Tiêu chí chi phí không chính thức:
Theo báo cáo kết quả của VCCI (Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam), chỉ số này của Bình Phước năm 2011 dẫn đầu cả nước, năm 2012 giảm xuống vị trí 15/63, năm 2013 là 23/63, năm 2014 là 30/63; năm 2015 giảm xuống đứng thứ 36/63 tỉnh, thành phố và là năm thứ 4 liên tiếp giảm. Qua các chỉ tiêu đánh giá cho thấy, tình trạng cán bộ, công chức ở Bình Phước dùng “quyền” trong thi hành công vụ để trục lợi cho cá nhân, có chiều hướng ngày xấu đi.
Điều đáng buồn là cả 5 chỉ tiêu chi tiết trong tiêu chí này đều bị đánh giá xấu hơn so với năm 2014. Trong đó, có 3/5 chỉ tiêu đánh giá xấu hơn trung bình của cả nước. Cụ thể, có 68,09% DN đồng ý rằng: DN cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức so với trung bình cả nước là 66,03%. Có ý kiến DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức” tăng lên từ 9,89% năm 2013 lên 10,77% năm 2014 và đến năm 2015 là 15,91%. Cũng có ý kiến cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp khá phổ biến” năm 2013 chỉ có 24,27%, năm 2014 là 66,18%, đến 2015 là 67,74%.
Tiêu chí chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước:
Theo đánh giá của VCCI, năm 2014, điểm số của Bình Phước là 7,14 xếp hạng 13, năm 2015 là 6,95 và xếp hạng 23, giảm 10 bậc so với 2014. Ở tiêu chí này, chỉ số thành phần của Bình Phước tuy chỉ giảm 0,19 điểm nhưng lại giảm 10 bậc so với năm 2014. Và điều này chứng minh rằng sự phấn đấu để thực hiện giảm chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước ở các tỉnh là rất mạnh mẽ, trong khi đó ở Bình Phước thì chẳng những không tăng mà lại giảm. Và đây cũng là chỉ số thành phần mà Bình Phước xếp trên trung bình (23/63 tỉnh, thành), nhưng nó là chỉ số có các chỉ tiêu đánh giá quan trọng trong việc thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.
Trong tiêu chí này có tới 9 chỉ số này và đáng chú ý nhất là chỉ số về số cuộc thanh tra, kiểm tra trung vị của tất cả các cơ quan, của Bình Phước tăng 1,5 cuộc so với 1,0 cuộc năm 2014. Chỉ số thứ hai là cán bộ nhà nước thân thiện, thì chỉ có 59,57% doanh nghiệp đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý. Ở chỉ số này, năm 2014 Bình Phước đạt 62,50%. Cũng ở tiêu chí này, điều đáng buốn là có tới 4,6% doanh nghiệp được hỏi về “Không có bất cứ sự thay đổi đáng kể nào” so với năm 2014.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, để cải thiện chỉ số này thì chính quyền và các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cho DN. Đồng thời, thực hiện công khai minh bạch các khoản phí và lệ phí; đơn giản thủ tục hành chính; nâng cao trình độ, năng lực của công chức khi thi hành công vụ. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra DN, hạn chế đến mức thấp nhất các cuộc thanh kiểm tra, đặc biệt là thanh tra thuế để DN không phải dành nhiều thời gian tiếp các cơ quan Nhà nước.
Tiêu chí tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất.
Năm 2015 và 2014, điểm số này của Bình Phước là 5,81 và 5,85, xếp hạng 39/27, giảm 12 bậc so với 2014. Theo đánh giá của VCCI, tiêu chí tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất là chỉ số giảm 0,04 điểm, tuy nhiên thứ hạng lại giảm 12 xếp 39/63 tỉnh thành. Trong đó, có một số chỉ tiêu không được cải thiện, hoặc cải thiện không đáng kể. Theo Bộ TN-MT: Bình Phước “diện tích đất trong tỉnh có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” năm 2015 không thay đổi so với năm 2014, chỉ đạt 86,70% thấp nhất và thấp hơn nhiều so với cả nước là 92,43%.
Điều đáng buồn là trong tiêu chí này, có một số chỉ tiêu theo chiều hướng kém đi. Cụ thể, ở chỉ tiêu 4 của tiêu chí này là “Nếu bị thu hồi đất, DN sẽ được bồi thường thỏa đáng (% luôn luôn hoặc thường xuyên)”, chỉ có 30% doanh nghiệp đồng ý so với năm 2014 là 35,14%. Ở chỉ tiêu thứ 5 là “Sự thay đổi khung giá đất của tỉnh phù hợp với sự thay đổi giá thị trường (% đồng ý)”, chỉ có 70,83% DN đồng ý so với năm 2014 là 73,91% và thấp hơn trung bình của cả nước là 76,09%. Ở chỉ tiêu thứ 7 là “DN thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua nhưng không gặp bất kỳ khó khăn nào”, có 30% DN đồng ý so với 55% năm 2014. Và ở chỉ tiêu thứ 8 là: “DN có nhu cầu được cấp GCNQSDĐ nhưng không có do thủ tục hành chính rườm rà/lo ngại cán bộ nhũng nhiễu”, có 33,33% đồng ý so với 13,89% năm 2014.
Như vậy, muốn cải thiện chỉ số này, trước hết là đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đất đai, đồng thời với nâng cao năng lực, trách nhiệm và đạo đức công vụ của lực lượng cán bộ, công chức thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
Tiêu chí về tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh
Năm 2015 và 2014, điểm số này của Bình Phước là 4,62 và 5,07, xếp hạng thứ 30 và 17, giảm 13 bậc so với 2014. Đây là chỉ số thành phần vừa giảm nhiều nhất 0,45 điểm và giảm 13 bậc so với năm 2014. Trong đó có 5/6 chỉ tiêu có chiều hướng kém đi. Cụ thể: ở chỉ tiêu thứ 3 là: “Cảm nhận của DN về thái độ của chính quyền với khu vực tư nhân” (tích cực hoặc rất tích cực) đã giảm nhiều nhất từ 42,62% năm 2014 còn có 32,97% năm 2015. Sự năng động của chính quyền tỉnh cũng bị đánh giá thấp đi: Năm 2015 có 43,40% DN được hỏi cho rằng “Phản ứng của tỉnh khi có điểm chưa rõ trong chính sách/văn bản trung ương: “trì hoãn thực hiện và xin ý kiến chỉ đạo” và “không làm gì” (Chỉ tiêu 6) so với năm 2014 là 37,34%”.
Đồng thời, sự linh hoạt, năng động, sáng tạo của UBND tỉnh (Chỉ tiêu 1 và 2), tuy cao hơn trung bình của cả nước, nhưng thấp hơn so với năm 2014. Đối với việc thực thi các sáng kiến, chủ trương chính sách của cấp tỉnh ở các sở ngành, huyện thị (Chỉ tiêu 4 và 5): Hầu như không thay đổi nhiều; đa số DN đánh giá thực thi chưa tốt, đặc biệt là đối với các sở, ngành.
Đâu là nguyên nhân?
Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và gia nhập thị trường; đồng thời, cơ chế chính sách của Nhà nước thường thay đổi, làm doanh nghiệp không nắm bắt kịp, nên “luôn tin tưởng” phải chi khoản “chi phí không chính thức” thì sẽ được việc và thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đánh giá này chưa được sự đồng tình cao từ phía các doanh nghiệp và người dân.
Nguyên nhân thứ hai là hành vi tham nhũng được thực hiện với nhiều thủ đoạn tinh vi rất khó khăn trong việc phát hiện xử lý. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn tố giác khi bị nhũng nhiễu, do lo sợ bị gây khó khăn nên đã chấp nhận chi thêm để được giải quyết công việc, tạo thói quen xấu cho cán bộ, công chức khi thi hành công vụ. Và ở đánh giá này cũng không nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi pháp luật hiện hành của nước ta quy định rất rõ rằng, người đưa hối lộ và người nhận hối lộ đều bị xử lý hình sự. Nếu chúng ta không thay đổi cơ chế thì sẽ chẳng bao giờ có cá nhân hay doanh nghiệp nào dại dốt mà tự thú rằng mình đã đưa hối lộ.
Nguyên nhân thứ ba mà theo người viết mới là quan trọng nhất, nhưng không được cơ quan chức năng nói tới. Đó là trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan có liên đến quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Nếu những người đứng đầu thự sự công khai trong phân công công việc và minh bạch trong ứng xử đối với doanh nghiệp, thì chắc chắn cấp dưới của họ có muốn cũng không dám.
Ngọc Diệp