The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vì sao thứ hạng chỉ số PCI của Kiên Giang liên tục giảm?

Ngày 27-5, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị phân tích Chỉ số năng lực cạnh trạnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2020. Đây là năm thứ 6 chỉ số PCI của Kiên Giang bị tụt thứ hạng và năm 2020 đứng thứ 62/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo đó, điểm tổng hợp chỉ số PCI năm 2020 của Kiên Giang đạt 60,01 điểm, giảm 4,98 điểm so với năm 2019, tụt đến 27 hạng, đứng thứ 12/13 khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Trong các chỉ số được đánh giá, Kiên Giang chỉ có hai chỉ số tăng điểm, tăng hạng là chỉ số gia nhập thị trường và chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi có đến tám chỉ số giảm điểm và giảm hạng gồm: chỉ số tiếp cận đất đai ổn định trong sử dụng đất, chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chỉ số chi phí thời gian thực hiện các quy định của nhà nước, chỉ số chi phí không chính thức, chỉ số cạnh tranh bình đẳng, chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, chỉ số đào tạo lao động và chỉ số thiết chế pháp lý an ninh trật tự.
Bà Nguyễn Duy Linh Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch Kiên Giang cho rằng, nguyên nhân của sự sụt giảm chỉ số PCI của Kiên Giang có phần do yếu tố khách quan như tình hình dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng kỹ thuật của tỉnh chưa bảo đảm nhu cầu lưu thông hàng hóa, năng lượng, viễn thông, logistics…
Tuy nhiên đi vào phân tích cụ thể, phần nhiều là do nguyên nhân chủ quan như: Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức chưa thật sự quan tâm đến PCI; thái độ phục vụ nhân dân và doanh nghiệp của một bộ phận “công bộc” chưa thật sự tốt. Vai trò của người đứng đầu các sở, ban, ngành và địa phương chưa thật sự quyết tâm trong việc triển khai các giải pháp, phân công, kiểm tra, đôn đốc và mạnh dạn xử lý tiêu cực liên quan đến hoạt động doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, mặc dù khó khăn của doanh nghiệp đã được nêu ra nhiều lần qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại với chính quyền, nhưng chưa được cơ quan, người có trách nhiệm tháo gở, giải quyết thỏa đáng. Vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội trong việc tham gia phản biện, xây dựng các chính sách còn chậm, chưa phát huy được vai trò trong cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách của tỉnh.
Tại hội nghị, đại diện Hội doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang và Hiệp hội nước mắm Phú Quốc đã đưa ra nhiều nôi dung chứng minh cho rằng, vẫn còn tình trạng sở, ngành, cơ quan liên quan thờ ơ với những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Nhiều vấn đề, doanh nghiệp đã đề đạt, kiến nghị rất lâu nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng trả lời, giải quyết.
Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp Hội Nước mắm Phú Quốc lấy dẫn chứng, hiệp hội nghề truyền thống này đã có tờ trình xin quỹ đất để quy hoạch làng nghề nước mắm truyền thống cách đây đã bốn năm nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Trong khi đó, các nhà thùng sản xuất nước mắm hầu hết là nằm xen kẻ với nhà dân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng không được các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực này hướng dẫn, xử lý đến nơi đến chốn.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang Lư Văn Còn cũng đã dẫn chứng hàng loạt thủ tục giấy tờ gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên doanh nghiệp sẽ khó mở mời than trách vì sẽ ảnh hưởng đến công việc,quá trình kinh doanh của họ. Ông Còn đặt vấn đề, các đồng chí cứ thử đi làm thủ tục, giấy tờ mới thấy được hết những khó khăn...
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành nhấn mạnh: Chỉ số PCI và chỉ số PAPI là hai chỉ số quan trọng, phản ánh được năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của tỉnh, để bảo đảm việc thực thi các quy định của pháp luật, đăc biệt là cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, các chỉ số này cũng là thước đo của cộng đồng doanh nghiệp, của tổ chức và người dân với chính quyền.
Do đó, tỉnh cần mạnh dạn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém còn tồn tại. Với mục tiêu cải thiện điểm số, nâng cao chỉ số PCI và chỉ số PAPI đưa Kiên Giang vào top các tỉnh khá trong cả nước, ông Lâm Minh Thành đề nghị các sở, ban, ngành và các địa phương mạnh dạn nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại, tập trung cải thiện các chỉ số thành phần giảm điểm, giảm hạng.
Theo đó, Kiên Giang sẽ đẩy mạnh thực hiện ba nhóm vấn đề gồm: Cải cách hành chính, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình. Giải quyết đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, rút ngắn thời gian, thái độ phục vụ "làm hết việc, không hết giờ". Công khai minh bạch bằng nhiều hình thức, nhất là công khai minh bạch thông tin, dữ liệu trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ngành, địa phương.
Rà soát, điều chỉnh bổ sung Kế hoạch số 138 của UBND tỉnh về cải thiện và nâng cao chỉ số PCI, chỉ số PAPI năm 2019 tỉnh Kiên Giang để thực hiện trong những năm tiếp theo. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là thực hiện tốt văn hóa công vụ, hướng tới phục vụ doanh nghiệp và người dân…