Vì sao thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu gặp khó?
Việc thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp ở Bà Rịa-Vũng Tàu trong những năm qua gặp khó khăn.
Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 15 khu công nghiệp, với diện tích hơn 8.510ha, nhưng thực tế chỉ có 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt dộng, còn lại vẫn đang thực hiện công tác đầu tư hạ tầng và lập quy hoạch chi tiết.
Cùng với đó, các khu công nghiệp của tỉnh có 294 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 14,694 tỷ USD, trong đó có 151 dự án trong nước và 143 dự án đầu tư nước ngoài.
Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp chỉ đạt 37,63% so với tổng số khu công nghiệp và 78,92 % so với khu công nghiệp đã xây dựng hạ tầng.
Số khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy trên 90% còn rất ít, tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng hoàn thiện, bao gồm: khu công nghiệp Đông Xuyên, Phú Mỹ I, Mỹ Xuân A2 và Mỹ Xuân A.
Còn lại các khu công nghiệp khác đang phải giãn tiến độ đầu tư hoặc thu hẹp quy mô, dẫn đến việc nâng cao tỷ lệ lấp đầy diện tích trong các khu công nghiệp còn hạn chế.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng cường công tác xúc tiến, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện để các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn với lãi suất ưu đãi nhằm giải quyết công tác đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng.
Các dự án treo, các dự án cầm chừng dở dang, không có năng lực tài chính được rà soát và sắp xếp chuyển giao cho các chủ đầu tư có tiềm lực kinh tế để hoàn thành đi vào sản xuất....
Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn thấp, trước hết là do hạ tầng chưa hoàn thiện nên việc thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp trong những năm qua gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức, chủ đầu tư khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức cho biết: Theo Chỉ thị 43-CT/TƯ ngày 6/8/2914 của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu không tiếp nhận một số ngành nghề thuộc lĩnh vực giấy, nhuộm, giày da và hạn chế một số ngành nghề: xi mạ, phân bón, phụ gia, chất tẩy rửa công nghiệp.
Điều này đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong công tác thu hút đầu tư bởi thời gian qua nhiều doanh nghiệp đến khảo sát, tìm cơ hội đầu tư tại khu công nghiệp lại chủ yếu là các ngành nghề trên.
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư mong muốn thuê đất tại khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức với diện tích lớn (tức là họ là nhà đầu tư cấp 1), sau đó sẽ kéo các nhà đầu tư từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng chính sách của tỉnh lại không như vậy.
Đến thời điểm này, khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức đã đầu tư hơn 1.354 tỷ đồng cho công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật: đường giao thông, hệ thống thoát nước, cấp nước, xây dựng nhà máy xử lý nước thải, hệ thống chiếu sáng…, nhưng mới chỉ thu hút được 15 nhà đầu tư thứ cấp với tổng diện tích cho thuê là 186,66 ha, đạt tỷ lệ 17%.
Còn ông Võ Tuấn Cường, Phó Giám đốc Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 Tiến Hùng (Công ty TNHH Tiến Hùng) cho biết: Sau hơn 13 năm kể từ ngày đầu bắt tay đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, tôi đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư.
Điều họ ngại nhất là thực hiện các thủ tục hành chính. Vừa rồi, có nhà đầu tư Hàn Quốc đã chuyển tiền đặt cọc cho Công ty để đầu tư dự án thứ cấp, nhưng rồi họ đã rút lui vì không đủ kiên nhẫn chờ đợi các thủ tục.
Không riêng gì nhà đầu Hàn Quốc mà trong thời gian qua chúng tôi đã "tuột mất" cơ hội thu hút nhiểu nhà đầu tư khác đến từ các nước Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… “Rút ngắn thời gian cấp giấy phép đầu tư là việc sống còn của các khu công nghiệp.
Do vậy, chúng tôi mong muốn tỉnh có các giải pháp rút ngắn thời gian cấp giấy phép đầu tư trong vòng 7 - 10 ngày để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp”, ông Cường nói.
Ngoài những lý do trên, với giá thuê đất cao như hiện nay cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp “ngại” đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn. Giá thuê đất ở các khu công nghiệp hiện nay khá cao, nằm ở mức từ 40 - 70 USD/m2/50 năm.
Cụ thể, khu công nghiệp Phú Mỹ 1,2,3, khu công nghiệp Mỹ Xuân A là 70 USD/m2, khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 là 60 USD/m2, khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức là 40 USD/m2...
Giá thuê này cao hơn so với các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương (bình quân từ 18 - 45 USD m2/50năm).
Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, giá thuê đất hiện nay do các công ty đầu tư hạ tầng tự quyết định nên Ban quản lý chỉ có thể nhắc nhở, chứ không có quyền can thiệp nên ảnh hưởng tới việc kêu gọi đầu tư.
Bên cạnh đó, các công ty đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp thường được miễn tiền thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm, trong khi các doanh nghiệp thứ cấp thuê lại đất phải trả tiền một lần cho toàn bộ thời hạn thuê.
Qua đó, dẫn đến quyền lợi của nhà đầu tư thứ cấp không được đảm bảo trong thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo khi thế chấp ngân hàng.
Trước những vướng mắc trên, tại cuộc họp bàn về các giải pháp thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp do Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức vào tháng 8/2017, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết: Tới đây, tỉnh sẽ tập trung giải quyết và xử lý vướng mắc, khó khăn của các khu công nghiệp, hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư để nâng cao tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp.
Đồng thời tỉnh sẽ thay đổi quan điểm, tư duy về việc thu hút đầu tư có chọn lọc, nếu doanh nghiệp đó thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, không gây ô nhiễm, tỉnh sẽ xem xét lại.
Một tín hiệu vui đối với các nhà đầu tư là tại cuộc họp về Dự thảo rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh được tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thành Long đã đồng ý với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư là rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư còn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, thay vì tối đa 35 ngày làm việc theo quy định của Luật Đầu tư 2014.
Ông cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát quy trình, thủ tục đầu tư theo hướng rút ngắn thời gian thực hiện, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, đảm bảo quy trình chặt chẽ; đồng thời nhanh chóng hoàn chỉnh Dự thảo này, báo cáo Thường trực UBND tỉnh.