Việt Nam đặt mục tiêu có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu
19 Tháng 8, 2022
Nhằm mục tiêu phát triển mạnh lĩnh vực ứng dụng CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng,trình Chính phủ Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số cùng Chiến lược dữ liệu quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030…
Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số với tầm nhìn được Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra: Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
Chính phủ số chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội. Chính phủ số chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Ảnh minh họa |
Giải pháp được đặt ra để hoàn thành mục tiêu đó là hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng số, phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia, phát triển dữ liệu số quốc gia, phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia và bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia trong đó trọng tâm là các nền tảng số quốc gia, đưa người dân lên môi trường số, toàn dân, toàn diện.
Chiến lược dữ liệu quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với tầm nhìn: Dữ liệu cơ bản phản ánh đầy đủ mọi mặt của thế giới thực, thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Hoạt động của các cơ quan nhà nước, người dân được đưa lên môi trường số và sinh ra dữ liệu. Chủ quyền dữ liệu quốc gia được đảm bảo.
Chính sách, quy định quản lý dữ liệu xuyên biên giới được thực thi, phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do và các Hiệp định khác mà Việt Nam đã ký kết. Chính phủ quản lý, điều hành, phục vụ người dân trên cơ sở các hệ thống tự động thu thập, phân tích dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu. Hạ tầng dữ liệu mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Giải pháp, mục tiêu chính được đặt ra để hoàn thành các chỉ tiêu Chiến lược dữ liệu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đó là phát triển hạ tầng dữ liệu quốc gia; dữ liệu quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu; thị trường dữ liệu. Trong đó tập trung vào đột phá là kiến tạo, phát triển thị trường dữ liệu tạo động lực thu thập, làm giàu dữ liệu; thị trường dữ liệu là kích thích thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thị trường dữ liệu để tạo động lực phát triển doanh nghiệp công nghệ số; phát triển các loại hình ngành nghề mới dựa trên dữ liệu để tạo nhiều cơ hội việc làm liên quan đến lĩnh vực dữ liệu cho người dân, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn và người khuyết tật.
Được biết, tính đến thời điểm tháng 6/2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phát sinh hồ sơ là 45,7%, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 36,9%, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Các địa phương đã triển khai việc giao chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến cho từng sở ngành, quận huyện, do đó các chỉ số về dịch vụ công trực tuyến gia tăng đáng kể.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng Bộ Công an đẩy mạnh triển khai Đề án 06 kết nối, chia sẻ CSDL quốc gia về dân cư phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Triển khai Hệ thống giám sát dữ liệu trực tuyến, kết nối giữa cơ quan quản lý với hệ thống của đối tượng quản lý nhằm giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác, kịp thời mức độ, hiệu quả của chuyển đổi số để có các giải pháp thúc đẩy kịp thời: Hiện nay, đã có 62 tỉnh, thành phố và 27 bộ, ngành thực hiện tích hợp Hệ thống EMC, chỉ còn 02 bộ, 01 địa phương chưa thực hiện kết nối đầy đủ để phục vụ công tác giám sát, đo lường.
Trong lĩnh vực kết nối chia sẻ dữ liệu phục vụ Chuyển đổi số, tổng giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong 06 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 350 triệu giao dịch, tăng hơn 25 lần so với cùng kỳ năm 2021; trung bình hàng ngày có khoảng 1,9 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP.
Theo VNMedia