The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vĩnh Long cam kết môi trường đầu tư ổn định

Tỉnh Vĩnh Long đã và đang chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư. Nhờ đó, liên tục trong 5 năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong nhóm “tốt”, “rất tốt” và trong top dẫn đầu cả nước. Đây là điểm sáng đẩy mạnh thu hút, mời gọi đầu tư trong thời gian tới.
Đón tiếp nhà đầu tư
Tiếp nối thành công của Chương trình đối thoại đầu tư năm 2021, ngày 4/3, các đại biểu, doanh nghiệp, nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) đến khảo sát và tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại Vĩnh Long. Đoàn có chuyến đi thực địa tại Khu công nghiệp Đông Bình, dự án nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ (10,6ha), dự án trung tâm thương mại- dịch vụ kết hợp nhà ở (5,52ha) tại phường Đông Thuận (TX Bình Minh). Các doanh nghiệp, nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm đến tình hình tuyển dụng lao động, giá thuê đất trong và ngoài khu công nghiệp, vị trí thuê đất, danh mục và chính sách đầu tư năng lượng tái tạo trong sản xuất điện, ngành nghề phù hợp đầu tư vào khu công nghiệp… Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành đã cùng thảo luận, trao đổi, giải đáp các vấn đề mà doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm.
Bà Trần Thị Hải Yến- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Nam cho biết, hiện các nhà đầu tư Đài Loan quan tâm đầu tư vào Vĩnh Long các lĩnh vực như: chế biến thủy sản, da giày, nông nghiệp, năng lượng, dịch vụ… “Về phía Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Nam, chúng tôi cam kết luôn sát cánh doanh nghiệp để hỗ trợ triển khai hoạt động đầu tư thuận lợi và đúng pháp luật”- bà Yến nói.
Ông Chung Wen Cheng- Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP Hồ Chí Minh cho biết, Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam. Năm 2021, dù chịu tác động của dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương vẫn đạt 25,36 tỷ USD, tăng trưởng 20,6% so cùng kỳ năm 2020. Về đầu tư, lũy kế đến 1/2022, có 2.847 dự án của doanh nghiệp Đài Loan đầu tư tại Việt Nam, đạt 1,25 tỷ USD. Tháng 1/2022, doanh nghiệp Đài Loan đầu tư tại Việt Nam đạt 57,16 triệu USD, đứng thứ 6, khẳng định doanh nghiệp Đài Loan thực sự có niềm tin vào Việt Nam.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Long, nhà đầu tư Đài Loan hiện có 7 dự án đầu tư tại tỉnh, với tổng mức đầu tư khoảng 237,31 triệu USD. Ông Chung Wen Cheng cho biết: “Nếu tỉnh có thể hỗ trợ doanh nghiệp về đất xây xưởng, cung cấp các gói ưu đãi đầu tư, tiếp tục cải thiện kết cấu hạ tầng cũng như giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động… Tôi tin sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp Đài Loan đầu tư tại mảnh đất này”. Tại buổi làm việc, tỉnh Vĩnh Long và các doanh nghiệp Đài Loan đã ký kết biên bản cam kết đầu tư.
Trước đó (vào ngày 24/2), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung tiếp đoàn công tác của Liên doanh Tập đoàn EREX Nhật Bản và Công ty CP Tập đoàn T&T về khảo sát xây dựng nhà máy điện sinh khối tại Vĩnh Long.
Ông Honna Hitoshi- Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc đại diện Tập đoàn EREX bày tỏ vui mừng về buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long nhân dịp đầu năm và cũng giới thiệu về dự án điện sinh khối, các tiêu chí lựa chọn để đầu tư nhà máy.
Ông Trần Nhựt Thanh- Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết Vĩnh Long có tiềm năng điện sinh khối, là một trong những tỉnh có nguồn nhiên liệu sinh khối tương đối lớn với diện tích đất nông nghiệp sản xuất hàng năm khoảng 140.000ha, trữ lượng rơm rạ và trấu khoảng 1 triệu tấn/năm, có khoảng 35 cơ sở, doanh nghiệp xay xát lúa gạo. Tiềm năng này tập trung chủ yếu tại 2 huyện: Tam Bình và Trà Ôn. Bên cạnh, tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi giao thông, hạ tầng...
Dịp này, UBND tỉnh và Tập đoàn EREX Nhật Bản và Công ty CP Tập đoàn T&T đã ký kết biên bản ghi nhớ. Trong đó, hai bên mong muốn hợp tác cùng khảo sát, nghiên cứu, lập đề án, triển khai dự án đầu tư nhà máy điện sinh khối.
Cam kết môi trường đầu tư ổn định
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng các hoạt động xúc tiến đầu tư vẫn được chú trọng và thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Theo đó, tỉnh đã triển khai chương trình xúc tiến đầu tư dưới nhiều hình thức, kịp thời áp dụng nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư… Bên cạnh, kết nối các nhà đầu tư lớn, có hàm lượng công nghệ cao. Đặc biệt, trong các ngành, lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư như nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông- thủy sản, du lịch, ngành sản xuất phối điện... Trong năm, tỉnh đã tiếp xúc và làm việc với 36 lượt nhà đầu tư. Kết quả, đã cấp chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 3.736 tỷ đồng và 13,74 triệu USD (trong đó có 6 dự án FDI).
Nằm ở trung tâm châu thổ ĐBSCL, tỉnh Vĩnh Long có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, là tỉnh ít bị thiên tai so với các vùng khác trên cả nước. Về nguồn nhân lực, dân số toàn tỉnh năm 2021 hơn 1 triệu người, trong đó có 594.221 người trong độ tuổi lao động. Vĩnh Long cũng là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL với 3 trường ĐH và phân hiệu, cùng với một số trường CĐ, trung cấp nghề… Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo năm 2020 đạt 15,8% (cao hơn trung bình của vùng là 13,6%).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung cho biết, tỉnh đã và đang chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện tốt các khâu cải cách thủ tục hành chính. Ông khẳng định “Lãnh đạo tỉnh cam kết luôn đồng hành và thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với các nhà đầu tư, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án và đưa vào hoạt động. Đồng thời, tạo mọi thuận lợi về môi trường pháp lý theo quy định của Trung ương và địa phương để doanh nghiệp an tâm phát triển sản xuất kinh doanh”.