Vĩnh Long lần đầu tiên khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long Đặng Văn Chính nhấn mạnh, đây là năm đầu tiên Vĩnh Long thực hiện khảo sát DDCI. Qua đó, thể hiện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các nhà đầu tư hoạt động tại tỉnh, đánh giá chất lượng công tác điều hành kinh tế và cải cách hành chính. Kết quả DDCI chính là thước đo năng lực quản lý, điều ngành của các sở, ban, ngành và địa phương; là cơ sở giúp lãnh đạo tỉnh xác định các điểm nghẽn trong chỉ đạo điều hành. Từ đó, tập trung giải quyết hiệu quả nút thắt về thể chế.
Thời gian tới, từng sở, ban, ngành và địa phương cần nghiêm túc đánh giá thực chất các chỉ số còn thấp điểm. Từ đó, đề ra giải pháp cụ thể để khắc phục, góp phần thúc đẩy Vĩnh Long bứt phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư những năm tiếp theo - ông Đặng Văn Chính yêu cầu.
Quy mô khảo sát của DDCI tỉnh Vĩnh Long 2023 là 2.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể tham gia đánh giá khối địa phương và khối sở ban ngành. Theo kết quả được công bố, khối địa phương dẫn đầu là huyện Vũng Liêm (78,49 điểm), tiếp theo là huyện Trà Ôn (72,97 điểm), huyện Tam Bình (69,78 điểm)… Đối với khối sở, ban, ngành, dẫn đầu là Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh (83,3 điểm), tiếp đến là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (80,71 điểm), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (76,49 điểm)…
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Huy, đại diện Công ty cổ phần Bất động sản và công nghệ Hải Nam (đơn vị tư vấn), về các chỉ số thành phần, trong khối địa phương, những chỉ số như: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, Chi phí không chính thức, Phổ biến pháp luật và hỗ trợ doanh nghiệp nằm trong top 3 chỉ số thành phần dẫn đầu. Chỉ số An ninh trật tự và Tính năng động nằm ở 2 vị trí cuối trong bảng xếp hạng chỉ số thành phần. Đối với khối sở, ban, ngành, chỉ số Phổ biến pháp luật và hỗ trợ doanh nghiệp xếp ở vị trí cao nhất. Các chỉ số thành phần về Chi phí thời gian và Tiếp cận đất đai là 2 yếu tố cần phải ưu tiên tập trung cải thiện. Bên cạnh đó, ở khối địa phương, điểm số DDCI giữa đơn vị có vị trí xếp hạng cao nhất và thấp nhất trong các nhóm có sự chênh lệch; khoảng cách giữa địa phương xếp đầu và địa phương xếp cuối là 35,14 điểm. Điều này phản ánh sự khác biệt về chất lượng điều hành giữa các địa phương.
Thời gian tới, Vĩnh Long cần cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Cụ thể, chính quyền các cấp cần tiếp tục triển khai biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp; đảm bảo tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời các hỗ trợ cần thiết thực và bình đẳng hơn.
Tỉnh cần tiếp tục chú trọng cải thiện các tiêu chí liên quan đến an ninh trật tự, tính năng động và hiệu lực, thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Qua đó, giúp doanh nghiệp yên tâm và tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất kinh doanh, gồm cả chi phí thời gian và tiếp cận đất đai. Cùng đó, chính quyền địa phương và sở, ban, ngành cần chú trọng nâng cao trình độ nghiệp vụ, thái độ, sự chuyên nghiệp khi tiếp xúc, giải quyết thủ tục, hỗ trợ doanh nghiệp; triển khai mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin hoặc hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận giải quyết thủ tục hành chính qua kênh trực tuyến thay vì truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long cho biết, sở có phần lớn chỉ số thành phần thấp điểm, nhất là chỉ số chi phí không chính thức, tính năng động và hiệu lực của hệ thống sở, ban, ngành và địa phương. Nguyên nhân là do ngành có số lượng hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận hàng tháng khá lớn với trên 2.000 hồ sơ, từ đó dẫn đến chậm trễ trong giải quyết hồ sơ theo đúng thời hạn. Đồng thời, ngành vẫn còn tình trạng cán bộ tiếp nhận hồ sơ chưa hướng dẫn đầy đủ thủ tục, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Thời gian tới, Sở Tài Nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục rà soát bộ thủ tục hành chính về đất đai để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành, theo hướng rút ngắn thời gian giải quyết cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất toàn ngành đối với khâu giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức, viên chức và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm.
Ông Bùi Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Tân cho biết, để khắc phục các chỉ số thấp điểm, địa phương sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền, phục vụ tốt cho doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, địa phương tăng cường công khai minh bạch thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời, đúng thời gian, nhất là thủ tục hành chính về đất đai. Huyện thường xuyên đối thoại doanh nghiệp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, đảm bảo doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất.