Vĩnh Long: Nâng cao năng lực cạnh tranh hội nhập
Thực hiện Nghị quyết 08 của BCH Trung ương "Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới- WTO" và Nghị quyết 16 của Chính phủ ngày 29/5/2007 về vấn đề này, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2007- 2010.
Bên cạnh, nhằm phát triển kinh tế- xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, tỉnh đã xây dựng Chương trình phát triển bền vững đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Cải thiện hình ảnh qua PCI Theo Sở Kế hoạch- Đầu tư, ngoài các chương trình trọng điểm như trên, thì các chương trình như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, giải quyết việc làm- xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, xúc tiến đầu tư- thương mại- du lịch, cải thiện môi trường kinh doanh- hỗ trợ doanh nghiệp... đều được thể chế hóa bằng Nghị quyết của HĐND và quyết định, kế hoạch của UBND tỉnh. Đáng quan tâm trong các chủ trương, chính sách của tỉnh là cải thiện năng lực, quản lý điều hành, tạo môi trường thông thoáng thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế- xã hội. Để nâng cao hiệu quả đầu tư, Vĩnh Long đã có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Vĩnh Long sản xuất kinh doanh.
Điều này góp phần tích cực vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn sau khi Việt Nam gia nhập WTO (2007- 2014) của Vĩnh Long đạt 61.952,75 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với giai đoạn 2001- 2006. Trong cả 2 giai đoạn, nguồn vốn đầu tư quan trọng nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước, giai đoạn 2001- 2006 chiếm 80,98% và giai đoạn 2007- 2014 là 73,26% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh là nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, thông qua sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.
Bên cạnh, ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa liên thông phối hợp giữa các cơ quan giải quyết đăng ký kinh doanh, thuế và con dấu đối với doanh nghiệp thành lập. Lập danh mục thủ tục hành chính trên địa bàn, rà soát 332 thủ tục và hiện nay đang tiếp tục rà soát để lập danh mục các mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính để tiến hành sửa đổi hoặc hủy bỏ những thủ tục không đúng quy định. Những nỗ lực cải thiện hình ảnh thu hút đầu tư của Vĩnh Long luôn được doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước "cảm nhận" một cách tích cực. Hơn 10 năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong top 10 cả nước. Tuy có tụt hạng "sốc" ở thứ hạng 54/63 tỉnh- thành vào năm 2011, nhưng tỉnh đã kịp thời các giải pháp vực dậy PCI của tỉnh về điểm số và thứ hạng.
Thứ hạng PCI thể hiện quyết tâm của Vĩnh Long trong cải thiện, xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu địa phương. Riêng năm 2014, PCI của tỉnh được xếp thứ 21 trong cả nước, thứ 6 khu vực ĐBSCL và vẫn thuộc nhóm khá. Kinh tế phát triển đúng hướng Đánh giá của Sở Kế hoạch- Đầu tư cho thấy, các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển đúng hướng theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế dân doanh phát triển cả về số và chất lượng, quy mô sản xuất kinh doanh, tạo ra năng lực sản xuất mới, phát triển thị trường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Các doanh nghiệp nhà nước do tỉnh quản lý sau khi sắp xếp, cổ phần hóa hầu hết hoạt động có hiệu quả, triển vọng tốt. Trong năm 2015, tỉnh tiếp tục thực hiện cổ phần hóa đối với 2 doanh nghiệp và Công ty TNHH MTV Cấp nước Vĩnh Long, Công ty TNHH MTV Công trình công cộng Vĩnh Long, đồng thời từng bước thoái vốn nhà nước đối với Công ty TNHH 1TV Xổ số kiến thiết.
Hội nhập WTO, theo Sở Kế hoạch- Đầu tư, đã tạo chuyển biến về tư duy kinh doanh, xóa dần tư tưởng ỷ lại vào sự bảo hộ nhà nước. Môi trường cạnh tranh khắc nghiệt đã tác động thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, tay nghề kỹ thuật, áp dụng hệ thống chất lượng... để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh, sự hiện diện ngày càng nhiều các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tác động tích cực đến các doanh nghiệp trong tỉnh về nhiều mặt. Trong khi đó, các sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng. Từ sản phẩm của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay chủ yếu là phân bón, xi măng, điện, cấp nước, thuốc lá tăng trưởng ổn định. Các mặt hàng của khu vực dân doanh có khả năng cạnh tranh trên thị trường: thức ăn gia súc, gạo xay xát, trứng vịt muối, nước chấm, dược phẩm, hàng thủ công, gốm mỹ nghệ, gạch nung... góp phần thúc đẩy tăng trưởng khu vực này.
Đến các sản phẩm của khu vực FDI, nổi bật là thức ăn gia súc, giày thể thao, xi măng, mì gói, nông sản đóng hộp... có sự gia tăng mạnh về giá trị sản xuất, xuất khẩu, góp phần tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành công nghiệp tỉnh. Kinh tế tăng trưởng khá nhưng chưa thật bền vững Phát triển kinh tế chưa đảm bảo hài hòa với giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng chậm; nông nghiệp chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu GDP, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế.
Các tiền đề cơ bản để hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Công nghiệp có quy mô nhỏ và sức cạnh tranh chưa đủ mạnh trên thị trường. (Đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư)
Theo Vĩnh Long online ngày 28/05/2015